Tại BIDV, khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.
Techcombank cũng cho biết, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ…
Như vậy, diễn biến cuộc đua thu hút khách hàng chuyển khoản vay giữa các nhà băng đang ngày càng sôi động với lãi suất ngày càng rẻ. Theo các chuyên gia, chính sách mới từ ngày 1/9 thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Người vay sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp tại ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn.
Trước đây, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng 1 khoản tiền, để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng giờ thì người dân có thể chuyển hồ sơ sang vay luôn ngân hàng B. Việc cho vay trả nợ trước hạn thực chất đã được thực hiện với các doanh nghiệp từ trước, với mục đích cho vay kinh doanh.
Cân nhắc thiệt hơn
Đối với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, đây thực sự là một tin vui, vì nó chính sách mới sẽ buộc các ngân hàng phải hạ dần lãi suất cho vay để giữ chân khách. Quy định mới sẽ giúp những người dân đang vay với lãi suất cao sẽ có lựa chọn đảo nợ với lãi suất thấp hơn tại ngân hàng mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý người đi vay về "phí phạt" khi trả nợ trước hạn.
Hiện nay, các ngân hàng thường áp dụng mức phí phạt trả sớm khoảng 2-4% số tiền trả nợ trước hạn. Nếu được vay với mức lãi suất 5,6%, thì cộng với phí phạt trước hạn, mức lãi suất mới khách hàng sẽ vào khoảng 7,6-9,6% - mức lãi suất này so với các khoản vay đang chịu ở mức 10-13% được cho là "khá dễ chịu". Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là hiện các ngân hàng đang cho vay ưu đãi lãi suất chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ thả nổi. Do đó, các chuyên gia cũng lưu ý người vay cần tính toán kĩ cả biên độ thả nổi sau này, trước khi quyết định chuyển khoản vay sang ngân hàng khác.
Một vấn đề nữa, đó là hồ sơ vay vốn vẫn phải thẩm định từ đầu về mục đích vay vốn, nguồn tiền trả nợ, nên khách hàng cũng không dễ để được vay đảo nợ với lãi suất rẻ. Theo quy định, ngân hàng mới sẽ vẫn thẩm định, đánh giá khoản vay đó như thông thường, chứ không mặc nhiên chấp nhận cho chuyển nợ sang. Cùng với đó, sẽ là hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản đảm bảo… mà mỗi ngân hàng có một "khẩu vị" rủi ro khác nhau, nên định giá khoản vay rất khác nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết thủ tục vay sẽ rút gọn và đơn giản hóa để hỗ trợ người dân.
Đánh giá về cuộc đua hạ lãi suất cho vay đảo nợ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng cho vay bất cứ khách hàng nào, với mục đích gì, thì cũng đều phụ thuộc vào chính "khẩu vị" rủi ro của họ. Lãi suất chính là hàm số của rủi ro, không có một mẫu số lãi suất chung nào cho tất cả các ngân hàng, nên dĩ nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có một mức lãi suất nào đó phù hợp. Các mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra, tới mức 5,6% như ở Vietinbank là mức tối thiểu, nhưng thực tế họ có cho vay được không, và khách hàng có vay được không, lại là câu chuyện khác. Điều này cũng sẽ phân chia theo lĩnh vực, ví dụ cho vay nông nghiệp, công nghiệp hay du lịch, dịch vụ, tiêu dùng… mỗi mảng sẽ có một mức lãi suất tối thiểu phù hợp.
"Tất nhiên, khách hàng vẫn có lợi khi đảo nợ để hưởng lãi suất thấp hơn, nhưng có thể sẽ xảy ra trường hợp đảo nợ nằm trong trường hợp nợ quá hạn, nằm trong nhóm nợ xấu thì càng nguy hiểm, vì khách hàng vay xong là xóa dấu vết nợ xấu", ông Hiếu đặt vấn đề.