Ê a lớp học vùng biên

28/11/2023, 19:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đều đặn mỗi tối, tại nhà văn hóa thôn Pắc Pộc xã Hoành Mô lại rộn vang tiếng ê a của bà con người Sán Chỉ. Nơi đây là lớp học nâng cao nhận thức, xoá mù chữ cho nhân dân của huyện miền núi Bình Liêu, Quảng Ninh.

Lớp học lúc 19h30

Thôn Pắc Pộc cách cửa khẩu Hoành Mô gần 2km, nơi có 113 hộ dân, 478 nhân khẩu, trong đó hầu hết những người sinh năm 1980 trở về trước đều không biết chữ.

Từ 6 tháng nay, hưởng ứng chủ trương phổ cập giáo dục của huyện, tối thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, lớp học xóa mù chữ tại nhà văn hóa thôn Pắc Pộc diễn ra đều đặn với sự tham gia của 21 học viên người Sán Chỉ.

Sau khi thu xếp việc nhà, bà con lại mang theo giấy bút, sách vở, tay cầm đèn pin đến với lớp học xóa mù chữ bất kể trời mưa, rét. Lớp học bắt đầu từ 19h30 đến 21h30.

Học trò của lớp học này có độ tuổi trung bình từ 40 đến 55. Những người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên được biết đến “con chữ”, trước con chữ, ai cũng cảm thấy háo hức như trẻ tiểu học.

Giọng đọc ê a, đánh vần còn bị ngọng, khuôn miệng bật dấu ngã thành dấu sắc, nét bút còn ngượng nghịu, vụng về, nhưng ai nấy đều hăng say học tập.

Chị Trần Thị Lằm (43 tuổi) cho biết, trước đây phải đi chăn trâu cắt cỏ, không được đi học nên không biết chữ. Đây là lần thứ 3 tham gia lớp xóa mù chữ, 2 lần trước không có thời gian, cứ học 1 tháng rồi bỏ vì còn bận đi phát rừng, làm rẫy, nhặt hồi.

“Từ ngày cưới con gái, không biết viết tên khách mời, phải kéo cả con đi mời khách của bố mẹ nên tôi quyết tâm học cho bằng được để biết chữ”, chị Lằm nói.

Theo chị Lằm, hầu hết chị em trong lớp học đều bốc vác thuê tại cửa khẩu Hoành Mô. Giờ học chữ, học toán để tính được tiền công.

Các học viên học đánh vần.
Các học viên học đánh vần.

Là một trong những học viên nhiều tuổi nhất lớp, chị Trần Thị Trọng (54 tuổi) cho biết, rất thích đi học, chỉ mong viết được tên mình. Từng này tuổi mới được đi học chữ, mắt mờ hoen nước do viêm tuyến lệ, viết chính tả nhiều khi không có dấu nhưng chị vẫn đi học đều, vì lớp học ở đây rất vui.

“Cả ngày đi rừng và bốc vác tại cửa khẩu rất mệt. Buổi tối tôi thường nấu cơm, ăn sớm để còn đi học. Mùa gặt bận bịu, nhiều khi vội không kịp ăn cơm, nhưng vẫn cố gắng đến lớp. Đến đây tôi được học chữ, làm toán và gặp mọi người, được cười nói, xua tan hết mệt mỏi”, chị Trọng nói.

Khó duy trì đủ sĩ số

Cô giáo Lục Thị Lý (36 tuổi), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - TH&THCS Đồng Văn, xã Đồng Văn, được phân công đứng lớp xóa mù chữ thôn Pắc Pộc từ tháng 4/2023.

Đối với cô Lý, việc mang lại con chữ cho chị em thôn bản là một điều hạnh phúc.

Tốt nghiệp khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí (nay là Trường Đại học Hạ Long) năm 2012, cô Lý về Trường Tiểu học Hoành Mô, xã Hoành Mô công tác.

Năm 2022 cô chuyển về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - TH&THCS Đồng Văn và xin đi dạy lớp xóa mù chữ.

“Công việc tại trường cả ngày, có những tối rất mệt nhưng chỉ cần đến lớp, thấy chị em chăm chú nghe giảng và cười rộn rã là có thêm động lực. Có những hôm học viên ở lại chép bài muộn nên hơn 22h tôi mới về đến nhà. Thấy học viên chăm chỉ như vậy khiến tôi mong chờ đến lớp”, cô Lý nói.

Cô giáo Lục Thị Lý.
Cô giáo Lục Thị Lý.

Bà con nơi đây lần đầu tiên được học chữ, làm Toán, nhiều học viên tuổi cao tiếp thu chậm, học trước quên sau nên cô Lý kiên trì dạy từ những nét cơ bản, từ viết chữ to rồi mới chuyển sang chữ nhỏ. Hiện tại lớp học diễn ra được 6 tháng và chuyển sang Toán, tiếng Việt lớp 5.

Anh Nình A Ngằn, Trưởng thôn Pắc Pộc cho biết, cô Lý là giáo viên trẻ rất nhiệt tình và tâm huyết, hầu như không nghỉ dạy buổi nào.

Hiện thôn còn hơn 100 người chưa biết chữ, chính quyền địa phương thường xuyên vận động để bà con tham gia học xóa mù chữ, nâng cao hiểu biết và phục vụ nhu cầu đơn giản nhất của mình.

Lớp học ban đầu có 26 học viên, hiện tại đã giảm 5 do hầu hết là lao động chính trong gia đình, bận làm ăn nên việc duy trì sĩ số lớp khá khó khăn. Hàng tháng cùng với chính quyền địa phương, cô Lý đến từng nhà vận động để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, nhu cầu học tập của người dân.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, những năm gần đây, UBND huyện cùng với chính quyền địa phương thành lập các trung tâm học tập cộng đồng bám sát các thôn bản, mở các lớp xóa mù chữ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận học hỏi các mô hình phát triển kinh tế.

Năm 2023, huyện Bình Liêu tổ chức được 7 lớp học xóa mù chữ với 147 học viên nhưng công tác điều tra phổ cập và vận động người dân đến lớp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ê a lớp học vùng biên