Đáng chú ý, tập đoàn này đang có số nợ phải trả cho các nhà cung cấp, bán điện khá lớn với tổng số tiền nợ ngắn hạn gần 80.000 tỷ đồng. Số thuế phải nộp các loại hơn 6.323 tỷ đồng. Các khoản vay và nợ dài hạn phải trả lên tới hơn 47 nghìn tỷ đồng.
Trong năm EVN cũng vay thêm từ các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hoặc chiếm cổ phần chi phối hơn 12.700 tỷ đồng. Tập đoàn cũng trả nợ gốc vay cho các ngân hàng tổng cộng hơn 15.460 tỷ đồng. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, EVN đang vay nợ các ngân hàng tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. “Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm của EVN lên tới hơn 3.670 tỷ đồng. Chi phí lãi vay hơn 14.500 tỷ đồng”, báo cáo xác nhận.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5, EVN cũng đưa ra các giải trình về nguyên nhân thua lỗ của tập đoàn trong năm qua. Theo giải trình của EVN, năm 2022, do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022.
“Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng”, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết.