Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 2: Bí quyết chọn trảng, gác kèo

27/05/2023, 14:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghề gác kèo ong xem chừng đơn giản mà nói chi tiết thì mấy ngày hổng hết. Chỉ việc chọn trảng và cách gác kèo để con ong chịu về làm tổ, chuyện đã hết một buổi lai rai.

Chọn được trảng ong đẹp, thợ lành nghề có thể tự mình gác một bộ kèo - Ảnh: SƠN LÂM

Chọn được trảng ong đẹp, thợ lành nghề có thể tự mình gác một bộ kèo - Ảnh: SƠN LÂM

Thân kèo dài chừng hơn 2m đến 2,5m. Nếu là cây tràm thì phải suôn, thẳng, đường kính chừng bằng bắp tay người lớn và lột vỏ, phơi khô, bào láng và tạo một rãnh sâu khoảng 2cm cách đầu kèo chừng gang tay hoặc móc miệng kèo theo hình tam giác hay đục lỗ nhỏ.

Sau khi đã có trảng đẹp và chọn hướng thì đóng cây nống xuống cho chắc rồi gắn phía đầu kèo vào, sau đó mới gắn tiếp cây nạng để đỡ kèo. Thông thường bộ kèo sau khi đặt xong phải có độ dốc sao cho đầu kèo cao khoảng trên 2m và phần đuôi kèo thấp chừng 1,5m.

Hướng đầu kèo thường quay về phía mặt trời mọc, làm sao để cả thân kèo có được tia nắng tốt nhất. Và cái kèo phải thật vững, không lỏng lẻo. "Nếu chỉ cần cây kèo lắc lư một tí, trong quá trình do kèo mà con ong nhận thấy nó không chắc chắn thì bỏ đi ngay", ông Út Nhì dặn.

Gác kèo xong xuôi thì bắt đầu dọn tiếp xung quanh trảng để chắc chắn không có cây con, nhành lá nào có thể động tới tổ ong khi nó đã làm tổ.

Người đàn ông của rừng U Minh nói với giọng khâm phục: "Chỉ cần có cây xỉa ngang hướng nó làm tổ, gió lay làm động tổ thì nhất định con ong cũng không làm. Trời sinh cái tính ong kỹ dữ thần, không chỉ chăm chỉ hút mật mà tất cả các việc khác nó cũng kỹ lưỡng từ đầu đến cuối".

Thấy cái kèo trong trảng êm, bầy ong sẽ cử một "đội thợ dò kèo" bay xuống lựa chọn. "Nó bay lòng vòng quanh kèo, đậu rồi bò từ đầu đến cuối kèo, xác định độ chắc chắn, thông thoáng quanh kèo và thuận lợi để đi về thì mới bắt đầu gọi cả bầy tập trung xuống làm tổ", ông Út Nhì nói say mê. Hơn nửa thế kỷ gác kèo, ông đã biết bao lần nấp để mê mẩn ngó lũ ong dò kèo.

Một lần dò như vậy khoảng chừng một giờ đến hai giờ đồng hồ, khi thấy đội ong thợ quay lên báo hiệu cho đàn ong sà xuống bám vào kèo thì người thợ biết chắc rằng mình đã "trúng" được một túi mật.

"Chọn trảng và gác kèo là cách thể hiện đẳng cấp của thợ. Thường mùa bông tràm nhiều, gác trăm kèo mà khoảng 60 kèo được ong chọn làm tổ là xem như đạt. Còn người kinh nghiệm giỏi, trăm trèo gác được 80, 90 kèo có tổ là thường", ông già ở rừng U Minh nói thêm tầm quan trọng của việc chọn trảng, gác kèo.

Vì con ong có cách thức kiểm tra, chọn kèo kỹ lưỡng như vậy nên thường sau khi gác kèo, người thợ phải kiểm tra xung quanh, dọn sạch cỏ, tuyệt đối không để các tổ kiến vàng nằm đâu đó phía trên gần kèo. Con kiến dưới mặt đất bò lên thì con ong giết chết, nhưng tổ kiến vàng phía trên hay có nước tiểu của kiến, gió lùa nước tiểu từ tổ kiến bắn vào thì ong cũng bỏ tổ.

Cũng để kèo ong có hình thái tự nhiên nhất, dân gác kèo ong còn có cách thức gọi là "trà tủ", nghĩa là dùng thế tự nhiên của các cây rừng xung quanh chỗ trảng gác kèo để tạo mái che tự nhiên và tạo luồng bay cho ong.

Người thợ làm "trà tủ" thường chọn ba cây tràm tự nhiên, một cây bên phải, một bên trái và một phía sau rồi cắt một phần rễ, xô nhẹ cho chúng hướng về phía kèo sao cho có độ che chắn một phần thân kèo nhưng phải đảm bảo cho luồng ong lên xuống, ra vào tổ được thuận lợi.

Thợ “ăn ong” hay đi cùng để hỗ trợ nhau giữa rừng tràm rộng lớn U Minh Hạ - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Thợ “ăn ong” hay đi cùng để hỗ trợ nhau giữa rừng tràm rộng lớn U Minh Hạ - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Việc kiểm tra kèo thường xuyên cũng là một bước quan trọng trong nghề gác kèo ong. Sau khi gác kèo khoảng từ 5 - 10 ngày, người thợ phải ra thăm, xem kèo nào có ong về và kèo nào ong không về. Qua đó cũng xem chừng để không có cây con, nhánh cây nào khác mọc lên đâm vào kèo, hoặc dọn màng nhện đóng xung quanh nơi đường ong lên xuống, rồi kèo có bị ong bầu đục, hoặc mối ăn, kiến vàng xâm chiếm...

Nếu kèo vẫn tốt mà ong không xuống thì bắt buộc phải kiểm tra lại trảng, xem ánh mặt trời, hướng kèo, cây cối xung quanh để điều chỉnh lại cho thích hợp.

------------------------

Kỳ tới: Công phu lấy mật

Dân rừng U Minh Hạ không lạ gì trên trời bỗng xuất hiện "đám mây đen" dài chừng ba bốn chục thước lướt nhanh, khi nghe tiếng rì rì mới hay đàn ong khoái đang về tìm nơi làm tổ, hút mật.

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/gac-keo-ong-chuyen-co-tich-co-that-o-rung-u-minh-ky-2-bi-quyet-chon-trang-gac-keo-20230526232249783.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/gac-keo-ong-chuyen-co-tich-co-that-o-rung-u-minh-ky-2-bi-quyet-chon-trang-gac-keo-20230526232249783.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 2: Bí quyết chọn trảng, gác kèo