Ảnh minh họa/ INT |
Không nể nang né tránh khi đánh giá
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Quảng Trị quyết tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Lê Văn Tính, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho biết: Sở/phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ sở giáo dục tập trung mọi giải pháp để nâng cao chất lượng.
Gắn chất lượng giáo dục của từng cơ sở với trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục; gắn chất lượng của từng môn học, lớp học với trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên đứng lớp trên tinh thần dân chủ, công khai, đúng người đúng việc, rõ trách nhiệm, không nể nang né tránh.
“Ngành GD Quảng Trị tập trung giải quyết vấn đề quan trọng hiện nay là chất lượng đại trà các môn học như Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và môn học khác. Đối tượng ưu tiên là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình” - ông Lê Văn Tính nhấn mạnh và cho biết thêm:
Tất cả đơn vị phải xây dựng kế hoạch, triển khai dạy phụ đạo bổ khuyết cho học sinh khối lớp hụt kiến thức của năm học trước, trong đó ưu tiên môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, chú trọng học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó, học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình một cách phù hợp, tránh nặng nề về thời gian, kiến thức, tạo tâm lý không tốt cho các em.
Sở/phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá các cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cùng với đó là đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy ý thức tự học của học sinh; quan tâm đúng mức đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, năng khiếu; quan tâm công tác ôn tập tốt nghiệp cho lớp cuối cấp.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đợt kiểm tra, nhà trường áp dụng nghiêm túc quy chế (như đổi chéo khối coi và chấm); kết quả kiểm tra thể hiện đúng khả năng học tập của học sinh. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tinh giản, số hóa hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử đồng bộ cho học sinh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục” - thầy Võ Ngọc Nam chia sẻ.