Có nhiều lý do để các cửa hàng đóng cửa, từ bán buôn ế ẩm, cạnh tranh với mua sắm online hay không gồng nổi tiền thuê mặt bằng. Kinh doanh thời khó nhưng nghịch lý ở chỗ giá mặt bằng lại tăng 9% so với năm ngoái khiến không ít doanh nghiệp nhỏ khó trụ lại ở những vị trí mặt tiền.
Sức mua yếu là điều mà cả nền kinh tế đang vấp phải. Các chủ hàng quán đều thừa nhận doanh thu không bù nổi các chi phí, nhất là gánh nặng mặt bằng. Chính phủ sẽ cứu sức mua bằng gói hỗ trợ giảm 2% thuế VAT, ít nhất trong sáu tháng.
Trong khi đó, chi phí mặt bằng sẽ chẳng có chính sách tài khóa nào cứu nổi, trừ khi chủ mặt bằng chia sẻ với người thuê.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành đồ uống kể thời dịch khó khăn nên đề xuất chủ nhà giảm tiền thuê xuống còn 150 triệu đồng trong vài tháng thay vì giữ nguyên 200 triệu đồng/tháng. Nhưng không thấy được sự chia sẻ, doanh nghiệp đành trả mặt bằng để thuê lại nơi khác trong khi mặt bằng cũ vẫn để trống suốt hai năm qua.
Hay chủ một nhà hàng chay cũng muốn tận dụng thời điểm này để mở nhà hàng mặt tiền, song đi khảo sát giá thì lại hết hồn bởi không kham nổi. Cuối cùng, nhà hàng này đành chui vô hẻm với chi phí vừa tầm hơn.
Giai đoạn hậu giãn cách, làn sóng chia sẻ chi phí mặt bằng khiến nhiều hàng quán trụ lại được, mở rộng kinh doanh cho đến nay. Vì vậy, bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, đây cũng là lúc cần một "gói hỗ trợ tư" mang tính sẻ chia đối với người đi thuê đang gặp khó.
Tất nhiên đây là giai đoạn sàng lọc thị trường, "nguy" của người này sẽ là "cơ" của người khác. Song khi có sự chia sẻ, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có thêm sự trợ lực để tồn tại.
Hơn nữa, việc tháo chạy của các doanh nghiệp cũng gióng hồi chuông về những chính sách gỡ khó cho nền kinh tế cũng cần hướng nhiều hơn đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhất là giai đoạn khó khăn như lúc này.