Cùng với sự tăng giá không ngừng của cổ phiếu thì giá trị tài sản của đại gia Trương Gia Bình cũng tăng mạnh.
VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu ngay khi mở cửa giao dịch sáng nay. Sức ép ngày càng tăng mạnh ở nhóm VN30, bảng điện tử cũng chìm trong sắc đỏ đã khiến VN-Index lùi sâu và xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.270 điểm.
Áp lực bán mạnh trên diện rộng vẫn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index duy trì đà giảm sâu dù lực cầu tham gia khá tích cực. Sức bán lớn khiến hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu giảm điểm. Trong đó bảo hiểm; chứng khoán; công nghệ và thông tin; bán lẻ; sản xuất hàng gia dụng; sản xuất nhựa-hóa chất; chế biến thủy sản; vật liệu xây dựng; sản xuất phụ trợ đều giảm mạnh.
Ngành chứng khoán có mức giảm mạnh nhất thị trường với 4,53% chủ yếu đến từ mã SSI (-2,54%), VCI (-5,6%), HCM (-5,68%) và MBS (-8,65%).
Theo sau là ngành khai khoáng và ngành sản xuất nhựa – hóa chất với mức giảm lần lượt là 4,49% và 4,36%. Ở chiều ngược lại, ngành nông – lâm – ngư là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với 2,53% chủ yếu đến từ các mã HAG (+1,61%), đặc biệt có 3 mã tăng kịch trần là VIF (+9,55%), HKT (+8,7%) và HNG (+6,97%).
Kết quả phiên giao dịch ngày 24/6, Vn-Index giảm tới 27,38 điểm (tương đương 2,14%) còn 1.254,64 điểm. HNX-Index giảm 4,61 điểm (1,89%) còn 239,75 điểm. UPCoM-Index giảm 1,77 điểm (1,78%) còn 98,82 điểm.
Hiếm hoi sắc xanh trên bảng giao dịch điện tử
Lực bán lớn nhưng sức cầu cũng dâng cao khiến thanh khoản cải thiện rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 36,3 nghìn tỷ đồng. Thị trường ghi nhận 74 mã tăng và 378 mã giảm, 50 mã đứng giá.
POW là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,18 điểm. Ở chiều ngược lại, GVR lấy đi của Vn-Index 1,5 điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng gần 1.000 tỷ đồng, tập trung tại các mã FPT (609 tỷ), NLG (767 tỷ), SSI (58 tỷ) và VPB (54 tỷ).
Phiên này, FPT của CTCP FPT để mất 2,94% còn 132.100 điểm. Vốn hóa thị trường của FPT đã đạt hơn 190 nghìn tỷ đồng và đã vượt qua quy mô của nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán.
Thời gian qua, mức thị giá của FPT tăng nhanh, tăng khoảng 14% trong vòng 1 tháng và tăng khoảng 15% kể từ đầu tháng 6. So với đầu năm, giá cổ phiếu FPT đã tăng hơn 60% (tương ứng tăng hơn 50.000 đồng mỗi cổ phiếu).
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT
Cùng với sự tăng giá không ngừng của cổ phiếu thì giá trị tài sản của cổ đông FPT cũng tăng theo, trong đó đáng kể nhất là khối tài sản trên sàn của nhóm đứng đầu.
Tại FPT, ông Trương Gia Bình vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 77,16 triệu cổ phiếu FPT tương ứng tỷ lệ nắm giữ là 6,08%. Ông Bùi Quang Ngọc nắm 20,84 triệu cổ phiếu tương ứng 1,64%.
Bà Trương Thị Thanh Thanh nắm 16,5 triệu cổ phiếu tương ứng 1,3%. Ông Đỗ Cao Bảo nắm 12,06 triệu cổ phiếu tương ứng 0,95% vốn điều lệ. Bà Trương Thị Thanh Thanh là mẹ chồng của Hoa hậu Jennifer Phạm.
So với đầu năm, tài sản của ông Trương Gia Bình đã gia tăng khoảng 4.000 tỷ đồng. Tài sản của ông Bùi Quang Ngọc tăng hơn 1.100 tỷ đồng, của bà Trương Thị Thanh Thanh tăng hơn 800 tỷ đồng và của ông Đỗ Cao Bảo tăng hơn 600 tỷ đồng.