Tuy nhiên, giá lúa gạo tại thị trường nội địa vẫn quá cao. Đây là bất cập khiến doanh nghiệp mắc kẹt, không dám mua bán gạo, vì nếu mua hàng để xuất khẩu sẽ gánh lỗ nặng.
“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg - tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.
Ông Bình dự đoán, giá gạo thế giới không thể giảm sâu. Mấy phiên gần đây, giá có xu hướng giảm, song chỉ giảm ở phần tăng trước đó do tâm lý. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra bình thường, giá lúa tại thị trường nội địa phải giảm về mức 7.000-7.200 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa của nông dân chỉ vào khoảng 3.500 đồng/kg. Thế nên, khi bán ở với giá 7.000 đồng/kg đã đảm bảo lợi nhuận. Trong trường hợp giá lúa vẫn cao ngất ngưởng, vượt xa giá xuất khẩu như hiện tại thì doanh nghiệp sẽ không thể mua bán.
“Hiện nay, hợp đồng xuất khẩu gạo chỉ vài container doanh nghiệp còn dám ký kết. Với những hợp đồng lớn vài chục tấn doanh nghiệp đều không dám ký thêm vì sợ phải bù lỗ”, ông chia sẻ.
Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp ở An Giang, Cần Thơ đã đàm phán với phía đối tác nhập khẩu đề nghị mức giá 680-700 USD/tấn nhưng không nhận được sự đồng tình. Thời hạn giao hàng cũng phải giãn ra để tránh đôi bên đều thua lỗ.
Tại thị trường nội địa, theo thống kê từ VFA, giá lúa gạo tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) đã được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá lúa bình quân tại ruộng tăng lên 8.079 đồng/kg, lúa tại kho giá 9.242 đồng/kg, gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.564 đồng/kg, gạo 15% tấm 14.333 đồng/kg, loại 25% tấm giá 14.033 đồng/kg...
Ngày 8/9, giá lúa ở ĐBSCL dao động ở mức 7.800-8.400 đồng/kg, giá gạo từ 11.950-14.200 đồng/kg.