Thực tế không chỉ dự án này, nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại Hà Nội cũng tăng giá dần trong vài năm trở lại đây, nhất là những dự án có chất lượng xây dựng tốt, vị trí thuận lợi.
Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội tăng giá dần trong vài năm trở lại đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay còn được rao bán ngang giá với nhà ở thương mại đã qua sử dụng. Ví dụ như: Dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) mở bán cách đây 5 năm với giá hơn 13 triệu đồng, nhưng đến nay giá bán thứ cấp đã lên đến 26 - 27 triệu đồng/m2; hay Dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cũng đều được rao bán lại với mức giá tăng gấp 3 - 4 lần so với khi mở bán…
Ngay cả dự án đang mở bán hiện nay cũng đã được phê duyệt mức giá lên tới gần 20 triệu đồng/m2, thay vì 13 - 14 triệu đồng/m2 như trước kia.
"Các dự án nhà ở xã hội không phong phú, dồi dào, gần như rất hiếm. Rõ ràng, nhu cầu nhà ở xã hội tăng, khan hiếm như vậy, những người đã mua được nhà ở xã hội khi họ có nhu cầu chuyển đi chỗ khác thì họ bán lại, họ coi đó là một sản phẩm của thị trường và tính giá của thị trường", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, theo quy định, nhà ở xã hội phải ở 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Trong số các căn hộ chào bán hiện nay, có nhiều căn chưa đủ quy định, mới chỉ vào ở được 2 - 3 năm. Việc bán lại các căn hộ như vậy là vi phạm quy định pháp luật. Người mua cũng sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vậy, người mua khi tìm mua các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ đó là căn nhà ở xã hội hay căn thương mại được mua bán thông thường.