Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh sức mua yếu như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vốn đã khó lại càng khó thêm.
“Năm 2019, lợi nhuận trên sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đạt khoảng 10-15% thì đến nay con số đó đã giảm xuống chỉ còn 3-5%. Mức lợi nhuận này không đủ để cho họ trang trải tất cả các chi phí về lãi suất, nhân công, máy móc”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, quan sát trên thị trường hiện nay ai cũng thấy rõ nhiều chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại...lâm cảnh “trống vắng” khách hàng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên theo ông Phú là do thu nhập của người dân còn tiếp tục khó khăn, cho nên các gia đình chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, sau đó là dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung.
Một vấn đề khác, theo ông Phú, hàng hóa của Việt Nam hiện đang trải qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 - 40% có khi tăng gấp đôi, gấp ba so với giá thành sản xuất. Giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý, mặc dù tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đây cũng là “nút thắt” làm cho sức mua bị ảnh hưởng, đồng thời tác động ngược trở lại đến sức sản xuất hàng hóa xã hội, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, có lúc gây ra ứ đọng phải “giải cứu”.