Tuy nhiên, cũng theo bà Chủ tịch VPA, áp lực cạnh từ thị trường Brazil vẫn đang hiện hữu khi những năm gần đây, quốc gia này đẩy mạnh sản lượng để dần theo kịp Việt Nam. Năm 2023, dự kiến sản lượng của Brazil đạt 100.000 tấn.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt 8.925 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 30,26 triệu USD, tăng 35,54% về lượng nhưng lại giảm 3,45% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, vụ hồ tiêu năm nay bước vào thu hoạch trong bối cảnh đồng USD hồi phục, nhập khẩu từ Trung Quốc chưa cải thiện rõ rệt, lạm phát cao và nhu cầu suy giảm trên thế giới sẽ cản trở giá hồ tiêu.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu hôm nay tiếp tục giảm ở Indoneisa nhưng đi ngang ở các quốc gia khác. Cụ thể, tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung giảm thêm 1,04%, về mức 3.645 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này giảm 1,06%, ở mức 6.144 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giữ ở mức 2.900 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l giữ ở mức 3.250 - 3.350 USD/tấn. Và giá tiêu trắng có mức 4.750 USD/tấn.
Trước thông tin về việc một số doanh nghiệp Việt nhập khẩu hồ tiêu Trung Quốc khiến giá bán hồ tiêu trong nước bị phá giá, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, đây là thông tin không đúng. Trung Quốc phải nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam. Hiện, Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong Top các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu mạnh của thế giới.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, thông tin này là không có cơ sở. Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu tra soát, kiểm tra ở các cửa khẩu. Cụ thể, trong thời gian từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa nhập khẩu bất cứ lô hàng hồ tiêu nào từ Trung Quốc.
Riêng trong năm 2022, chỉ có 2 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc, với tổng khối lượng 504 tấn để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm gia vị xuất khẩu, chứ không tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước.
"Số lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc trong năm 2022 chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với hơn 200.000 tấn hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không đủ làm tác động đến thị trường, giá cả hồ tiêu tại Việt Nam", ông Huỳnh Tất Đạt cho biết thêm.
Hiện, các thị trường tiêu thụ hồ tiêu chính của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Trong khi, các thị trường Mỹ, EU đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, dù thị trường Trung Quốc bắt đầu khởi sắc lại. Tuy nhiên, một mình thị trường Trung Quốc khởi sắc cũng không đủ để kéo được giá hồ tiêu tăng lên.
Bởi theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc cũng sẽ nương theo khó khăn của các thị trường Mỹ, EU để giữ giá thấp chứ họ không nâng giá thu mua. Mặt khác, họ cũng lợi dụng việc chúng ta vào vụ mùa thu hoạch, người trồng sẽ bán ra để trả tiền nhân công, trả tiền chi phí để ép giá.
"Hiện, các địa phương đã bắt tay vào thu hoạch rộ vụ mới. Thời điểm này cũng sẽ rất khó để đưa ra những dự báo cho giá hồ tiêu cũng như sản lượng của mùa vụ năm 2023. Tuy nhiên, rất có thể, khi vào chính vụ, lượng thu hoạch ồ ạt, nhu cầu bán ra nhiều sẽ khiến giá hồ tiêu không ‘bốc’ lên được", ông Hoàng Phước Bính nhận định.