Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng tăng lên mức kỷ lục khiến cả người vay và người cho vay đứng ngồi không yên.
Theo chị Hằng, chỉ chưa đầy 5 năm, giá vàng nhẫn đã tăng từ 36,9 triệu đồng lên 62,8 triệu đồng, tăng gần 26 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tăng từ 36,6 triệu đồng lên 74,2 triệu đồng, tăng hơn 37 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vì gia đình chị cho vay không lấy lãi, chưa kể là do thoả thuận vay vàng phải trả bằng vàng nên không trách được.
“Gia đình tôi chỉ có vàng để cho vay, nào ai biết vàng sẽ tăng hay giảm. Nếu giảm thì chúng tôi cũng có bảo gì đâu. Bác tôi không trả được cũng không nói trực tiếp lại đi nói xấu gia đình tôi khắp nơi. Không những không đòi được nợ mà cả nhà tôi rước bực vào người vì cho vay vàng”, chị Hằng thở dài.
Chung cảnh ngộ, chị Phạm Thị Hoàn, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho cháu trai bên chồng vay 2 lượng vàng năm 2018 để mua ô tô. Năm nay, kinh tế khó khăn, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, nhiều lần muốn đòi nhưng lại “ngại” người vay.
“Lúc tôi cho vay, giá vàng SJC chỉ 36,4 triệu đồng/lượng mà hơn 5 năm rồi mà cháu chồng tôi không trả. Từ năm ngoái đến năm nay, giá vàng tăng cao quá. Giờ thì hơn 74 triệu đồng/lượng, giá vàng tăng cao hơn gấp đôi so với thời điểm tôi cho vay rồi. Không đòi thì nhỡ vàng lên đến 80 hay 85, 90 triệu đồng/lượng thì sao. Ngược lại, nếu đòi nợ bây giờ cũng mang tiếng mình ích kỷ, có khi mất cả họ hàng”, chị Hoàn thở dài.
Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, giá vàng lên cao chưa từng thấy.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, pháp luật không cấm việc người dân và doanh nghiệp cho nhau vay vàng. Tuy nhiên, giá vàng lên xuống, biến động khá thất thường và đôi khi tăng, giảm giá rất lớn do nhiều yếu tố quốc tế khác nhau, hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của Nhà nước và các bên tham gia giao dịch. Vì vậy cần hết sức cân nhắc khi vay và cho vay bằng vàng.
Đối với người cho vay thì trước sau họ vẫn giữ một số lượng vàng cố định dù giá có tăng hay giảm bao nhiêu. Đối với người đi vay, khi trả nợ mà giá giảm thì có lợi, nhưng nếu giá tăng cao, thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi khi vay, thì sẽ vô cùng thiệt hại.
“Tức ngoài lãi suất vay (nếu có), thiệt do chênh lệch giá mua vào, bán ra, còn có thể phải trả thêm tiền do giá tăng. Khi đó lãi suất có thể tính thêm vài chục, thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm. Chính vì nguy cơ rủi ro rất lớn từ sự thất thường đó, nên ngành Ngân hàng đã cấm việc huy động và cho vay bằng vàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.