Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng cao khiến nhiều người lựa chọn về quê hoặc ở lại thành phố thay vì đi du lịch.
Theo tìm hiểu, trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến ngày 1/5, giá vé các chặng bay nội địa đều dao động ở mức cao. Với chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của hãng hàng không Vietnam Airlines, hạng vé phổ thông đã hết, chỉ còn vé thương gia với số lượng rất ít, giá dao động từ 3,7 - 5,6 triệu đồng/khứ hồi.
Tương tự, chặng Hà Nội - Quy Nhơn cũng sớm hết vé phổ thông. Vé hạng thương gia với chuyến bay thẳng có giá 5,2 triệu đồng/khứ hồi, còn bay nối chuyến là khoảng 13 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá cao nhất là khoảng 13 triệu đồng/người (bay giờ đẹp, hãng Vietnam Airlines) và rẻ nhất khoảng 2,5 triệu đồng/khứ hồi (bay hãng Vietjet Air).
Các chặng khởi hành từ TPHCM giai đoạn từ 27/4 - 1/5 cũng có mức giá khá cao. Theo khảo sát, giá vé khứ hồi chặng TPHCM - Phú Quốc của Vietravel Airlines thấp nhất là 3 triệu đồng; Vietjet Air là 3,3 triệu đồng; Vietnam Airlines là 3,9 triệu đồng.
Chặng bay TPHCM - Nha Trang trong dịp nghỉ lễ này được xem là có giá vé rẻ nhất so với các chặng bay khác, thấp nhất là Bamboo Airways có giá 2,7 triệu đồng, Vietjet Air là 3,1 triệu đồng và cao nhất là Vietnam Airlines là 3,2 triệu đồng.
Với chặng bay TPHCM - Đà Lạt, giá vé dao động từ 2 - 4,3 triệu đồng/khứ hồi. Tuy nhiên, đa phần các chặng bay đều sớm kín chỗ, không còn nhiều lựa chọn cho du khách. Chặng bay TPHCM - Hà Nội có giá vé khoảng 6,5 triệu đồng/khứ hồi (bay hãng Vietnam Airlines, ghế hạng phổ thông tiết kiệm).
Dự định dành thời gian nghỉ phép để đưa cả gia đình đi du lịch Quy Nhơn vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, anh Hoàng Đức (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đành thay đổi lịch trình vì vé máy bay chặng này cao hơn tưởng tượng.
Anh Đức cho biết, mọi năm, giá vé máy bay các chặng nội địa đều khá dễ chịu, song năm nay giá tăng nhiều hơn. Trong đó, chặng Hà Nội - Quy Nhơn được ghi nhận có mức tăng cao nhất trong số các chặng bay “hot”, hơn cả Nha Trang, Phú Quốc.
“Ban đầu, tôi dự tính đi vào ngày 28/4 (Chủ nhật) và về vào ngày 1/5 (thứ Tư). Tuy nhiên, mức vé rẻ nhất, khởi hành giờ xấu cũng rơi vào khoảng 5 triệu đồng/khứ hồi. Với gia đình 4 người thì chi phí di chuyển bằng máy bay đã tốn 20 triệu đồng”, anh Đức nói.
Điều khiến nam du khách bất ngờ hơn là anh tìm vé chặng bay này vào đầu tháng 3, thời điểm trước kỳ nghỉ gần 2 tháng mà giá vé đã ở ngưỡng cao. “Thông thường đặt vé trước một vài tháng thì giá sẽ rẻ hơn, nhưng năm nay có lẽ là ngoại lệ”, vị khách bày tỏ.
Dự định đổi lịch trình tới điểm đến khác, nhưng cuối cùng anh Đức quyết định sẽ tự lái xe đưa gia đình đi biển nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh vì giá vé các chặng bay nội địa trước và sau kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 đều cao, dao động từ 4,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá vé máy bay hiện nay tăng cao buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh, đặc biệt là điều chỉnh về loại hình tour. Về du lịch nội địa, từ trước đến nay, đối với sản phẩm du lịch tuyến xa, vượt vùng, đi bằng đường hàng không, ngành du lịch thường sử dụng vé máy bay giá thấp của các hãng hàng không, riêng chi phí cho giá vé máy bay chiếm 50% tổng giá tour.
Ông Trần Thanh Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Hồng Minh cho rằng, việc tăng giá vé vào mùa cao điểm đã xuất hiện từ năm 2023, bắt đầu từ năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, doanh số và việc khai thác khách hàng của doanh nghiệp. Theo ông Minh, đơn cử như một vé phổ thông khứ hồi cho chặng Đà Nẵng - Hà Nội - Đà Nẵng tầm 2.200.000 đồng thì hiện nay đã tăng hơn 1.000.000 đồng.
“Việc giá vé máy bay tăng hơn 1 triệu đồng đó vô tình đẩy giá tour của doanh nghiệp lên cao, từ đó rất khó để chốt kế hoạch với đoàn du khách. Cập nhật ngay trong những ngày qua thì một vé đi Hà Nội đã gần 4.000.000 đồng, so với cùng thời điểm năm 2023 cao hơn 1.500.000 đồng.
Cứ thử hình dung 1 vé cho một cá nhân bị “đẩy” lên 1.000.000 đồng, chốt đoàn tầm bình quân 20 người thì đoàn đã mất 30.000.000 dẫn đến sự lựa chọn tour sẽ có thay đổi, trong đó du khách sẽ đưa ra phương án là vẫn giữ tour hay tổ chức hoạt động tham quan, nhưng với một chi phí thấp hơn”, ông Minh lấy ví dụ.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, ở đâu có điểm đến hấp dẫn, có sản phẩm mới lạ và đặc biệt là có giá cả cạnh tranh thì sẽ thu hút được khách du lịch.
Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp nên xem xét lại yếu tố tạo nên sức cạnh tranh mạnh hơn, đó chính là sự liên kết. Các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau nhằm tạo ra sản phẩm thu hút du khách, để người Việt Nam sẽ không cần phải đi đâu xa mà vẫn tìm thấy giá trị đặc sắc, những trải nghiệm trên mọi miền Tổ quốc.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, hàng không là “xương sống” cho các sản phẩm du lịch nội địa và sự thay đổi của giá vé sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch bởi giá vé máy bay chiếm ngân sách lớn trong tổng giá tour.
Cùng với đó, việc các hãng hàng không cắt, giảm hầu hết các đường bay ngách, đường bay lẻ cũng đã tạo ra thách thức rất lớn cho thị trường du lịch nội địa. Từ đó, mục tiêu thị trường nội địa năm nay của ngành du lịch được đánh giá sẽ gặp nhiều trở ngại.