Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu dạy Tin học

Nguyễn Thuỳ | 21/08/2022, 06:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực đáp ứng việc dạy môn Tin học, người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hoá cho biết, sẽ tham mưu cho tỉnh có kế hoạch đặt hàng các trường Đại học, Cao đẳng để đào tạo theo nhu cầu của tỉnh.

Trước đó, như Báo Giáo dục và Thời đại đã thông tin, từ năm học 2022-2023, môn Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang loay hoay tìm giải pháp gỡ khó.

Không chỉ thiếu cơ sở vật chất để dạy môn học này, việc thiếu nguồn nhân lực đang là vấn đề nan giải. Tình trạng trên không chỉ ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay cả nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng cùng cảnh ngộ.

Theo PGS. TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao chỉ tiêu đào tạo thêm ngành sư phạm Tin học.

Với truyền thống hơn 20 năm đào tạo cử nhân Tin học, nhà trường có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để có thể đào tạo khoảng 100 chỉ tiêu sư phạm Tin học. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên nên Bộ GD&ĐT chỉ giao cho nhà trường 20 chỉ tiêu.

Với thực trạng thiếu giáo viên Tin học như hiện nay thì chỉ tiêu được giao là thấp so với tình hình hình thực tế.

“Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên môn Tin học, Thanh Hoá cần đưa ra một số giải pháp như báo cáo nhu cầu với Bộ GD&ĐT để Bộ giao thêm chỉ tiêu cho Trường ĐH Hồng Đức hoặc trên cơ sở nhu cầu, Sở GD&ĐT có thể có phương án đặt hàng các trường Đại học, Cao đẳng về đào tạo giáo viên Tin học”, PGS. TS Lê Hoằng Bá Huyền nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá cho biết, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 400 phòng tin học ở cả 3 cấp học, tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học.

Về nhân lực, hiện Thanh Hoá có 600 trường Tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học. Nếu bố trí mỗi trường Tiểu học một giáo viên Tin học, thì toàn tỉnh đang thiếu khoảng 420 giáo viên.

Nguyên nhân được xác định do từ trước đến nay, chỉ tiêu Bộ GD&ĐT giao cho các trường Đại học, Cao đẳng về đào tạo ngành sư phạm Tin học rất ít, không căn cứ theo nhu cầu của địa phương.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, sinh viên tốt nghiệp cử nhân Tin học lại không mặn mà về các trường dạy học do thu nhập thấp hơn nhiều so với làm bên ngoài.

Năm học này, theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, dẫn đến nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa đang loay hoay tìm giải pháp khi thiếu cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất phục vụ môn học này.

Để đáp ứng chương trình dạy học, hiện Sở GD&ĐT Thanh Hoá đang chỉ đạo các Phòng giáo dục tận dụng tối đa mọi điều kiện để có thể đưa môn học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch.

Phương án trước mắt mà Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đưa ra là bố trí giáo viên Tin học có tính chất linh hoạt giữa tiểu học, THCS, thuộc Phòng giáo dục quản lý.

“Khi phân bổ nguồn lực, phòng học Tin, khuyến nghị các Phòng giáo dục, các địa phương không được trống trong một địa bàn liền kề nhau để có thể sự dụng chung. Cụ thể như 3 xã sát nhau thì 1 xã ở giữa phải có, để có thể huy động giáo viên hoặc phòng máy được sử dụng liên trường nhưng trong bán kính chấp nhận được.

Giải pháp căn cơ lâu dài, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá có kế hoạch đặt hàng giáo viên các môn thiếu nhiều trong đó có giáo viên Tin học. Căn cứ vào con số thống kê từ các địa phương gửi về, ngoài chỉ tiêu của các trường sư phạm, nếu thiếu sẽ đặt hàng các trường Đại học, Cao đẳng có uy tín và tỉnh phải có kinh phí cho nguồn tuyển và có những cam kết để có cơ chế thông thoáng”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết thêm.

Cũng theo ông Thức, về cơ sở vật chất, ngoài hỗ trợ của địa phương, các đơn vị kêu gọi thêm xã hội hoá để từng bước đáp ứng nhu cầu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu dạy Tin học