Giải 'cơn khát' công nghệ cho học trò vùng khó

Hà Linh | 19/11/2022, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mở cửa căn phòng còn thơm mùi sơn, nhìn từng hàng máy tính mới tinh sắp xếp ngăn nắp, người thầy giáo vùng khó không khỏi xúc động.

Loay hoay xoay xở

Đóng chân trên địa bàn thuộc diện thuận lợi trong khu vực, song những năm qua, việc triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018 của thầy và trò Trường Tiểu học & THCS xã Sam Mứn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vẫn đối diện không ít thách thức.

Chia sẻ về hành trình này, thầy Hiệu trưởng Bùi Tiến Phong tâm sự: Trước đây, nhà trường được đầu tư hơn 10 chiếc máy tính. Sau nhiều năm sử dụng chỉ còn 4 máy có thể hoạt động, song chập chờn, xử lý chậm và thường xuyên gặp trục trặc.

“Từ khi triển khai dạy học Chương trình GDPT mới, hệ thống máy móc vừa thiếu vừa không đồng bộ khiến ban giám hiệu và trực tiếp là giáo viên Tin học phải xoay nhiều cách. Trò cũng không hứng thú với môn học. Trong khi đó, trường lại có 2 cấp, với tổng số học sinh khoảng 350 em mỗi năm”, thầy Phong nói.

Cũng theo thầy Phong, do máy tính không đủ đáp ứng nên các năm trước đa phần thời gian của môn Tin học dành cho việc dạy lý thuyết. Điều này vừa khiến học sinh phải chịu thiệt thòi mà chất lượng giáo dục môn học cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện có, nhà trường không thể tự xoay xở.

Bốn năm theo học tại trường, em Cà Bảo An, lớp 9D hiểu rõ nhất thực tế này. An nhớ lại: Những năm học trước, mỗi lần đến giờ thực hành Tin học, lớp em chia thành từng nhóm. Mỗi nhóm 5 bạn, sử dụng chung 1 máy nên phải thay nhau. Máy yếu nên thao tác chậm khiến thời gian sử dụng trong mỗi giờ học không đáng kể.

“Máy hay trục trặc nên mỗi giờ học thầy giáo mất nhiều thời gian để hỗ trợ chúng em. Vì không được thực hành nhiều nên việc tiếp thu kiến thức mới cũng không hiệu quả. Đến khi kiểm tra, các thầy cô phải mang máy tính cá nhân cho chúng em mượn thì mới đảm bảo”, An chia sẻ.

Giải 'cơn khát' công nghệ cho học trò vùng khó  ảnh 1

Học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn thực hành môn Tin học trên máy tính.

Thỏa “cơn khát”

Sau nhiều năm chắp vá, tạm bợ, cuối tháng 9 vừa qua thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn đón tin mừng khi được tiếp nhận 25 bộ máy tính mới do Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ. Ngay sau đó, một phòng Tin học, kết nối Internet đồng bộ lần đầu tiên xuất hiện đã xóa tan những khó khăn, trăn trở của thầy trò nhà trường.

Từ ngày có máy tính mới, học sinh không chỉ hào hứng mà mỗi giờ Tin học cũng trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Cũng như nhiều bạn khác, giờ đây mỗi tuần em Trần Bá Duy, lớp 9D đều mong chờ đến giờ Tin học để được thực hành trên máy. Duy cho biết, với số máy hiện có không còn phải sử dụng chung nữa.

“Mỗi bạn một máy nên chúng em chủ động hơn trong thực hành. Máy mới lại vào nhanh, nhiều tính năng nên em và các bạn rất thích. Không chỉ học môn Tin, chúng em còn tìm kiếm nhiều thông tin, tài liệu phục vụ các môn học khác tại chỗ, thay vì phải đi hơn 3km mới đến khu vực có quán Internet như trước kia”, Duy chia sẻ.

Còn theo thầy hiệu trưởng, số máy tính mới vừa đủ đáp ứng yêu cầu giảng dạy Tin học cho các khối lớp nên toàn bộ máy cũ còn hoạt động được nhà trường tận dụng chuyển sang phục vụ công tác văn phòng.

Để phát huy tối đa hiệu quả số máy được hỗ trợ, phòng Tin được duy trì mở cửa vào các buổi chiều hàng ngày. Mỗi máy đều đồng bộ tai nghe và trang bị Internet. Do vậy, đây được xem như thư viện hiện đại phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, tài liệu của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

“Nhu cầu này rất lớn nên chiều nào phòng Tin cũng đón vài chục lượt thầy, trò đến sử dụng. Đặc biệt là trước ngày có giờ học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục địa phương… giáo viên thường giao các em tìm hiểu thông tin nền, các dữ liệu mở rộng có liên quan đến bài học. Nhà trường cũng có quy chế sử dụng, bố trí cán bộ quản lý, giám sát thường xuyên, nhằm bảo đảm máy được sử dụng lâu dài, hiệu quả nhất, hạn chế hư hỏng. Ngoài ra, phòng máy còn phục vụ thầy trò dạy học, luyện thi môn Tiếng Anh”, thầy Phong cho hay.

Trong chương trình mới, học sinh được làm quen với Tin học ngay từ lớp 1 và là môn học bắt buộc với lớp 3. Số máy được hỗ trợ không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn để đáp ứng yêu cầu mà nhà trường còn có thêm điều kiện thực hiện tốt việc dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải 'cơn khát' công nghệ cho học trò vùng khó