Giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp

Hải Bình | 15/09/2022, 13:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Bùi Thị Nguyệt Thu, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp.

Nắm tình hình học sinh từ đầu năm học

Để làm tốt công tác giáo dục học sinh, nhiệm vụ đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm lớp là nghiên cứu để nắm vững tình hình chung của lớp và của từng học sinh.

Kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ xây dựng mục tiêu, chương trình, kế hoạch năm học để xác định nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm của lớp.

Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu và lưu ý thật kĩ hồ sơ học bạ của học sinh về mọi mặt; từ đó giúp xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh hiệu quả. Giáo viên chủ nhiệm bước đầu hình dung, phân loại học sinh theo trình độ năng lực, ý thức học tập, thói quen hành vi,… để có hướng giáo dục thích hợp.

Xây dựng tiêu chí thi đua cho lớp chủ nhiệm

Xây dựng tiêu chí thi đua cho lớp là một nội dung rất quan trọng và thường được cô Bùi Thị Nguyệt Thu phổ biến trong ngày đầu tiên đến lớp của học sinh. Việc xây dựng tiêu chí này dựa trên cở sở nội quy trường và những tiêu chí thi đua của Đoàn thanh niên trường đề ra.

Quá trình xây dựng tiêu chí thi đua lớp được cô Bùi Thị Nguyệt Thu chia sẻ như sau: Nghiên cứu kĩ nội quy của trường và các tiêu chí thi đua của Đoàn thanh niên trường; đưa các nội quy của trường và tiêu chí thi đua của Đoàn thành niên vào nội quy của lớp.

Điều chỉnh lại các thang điểm cộng trừ sao cho phù hợp với nội dung mỗi tiêu chí. Giáo viên chủ nhiệm cũng có thể dựa trên thang điểm cộng trừ của Đoàn thanh niên để thiết lập thang điểm cộng trừ cho bảng tiêu chí lớp. Song, bảng tiêu chí thi đua lớp phải đảm bảo sát với thực tế lớp học, không quá cứng nhắc và đặc biệt không gây áp lực cho học sinh. Cuối cùng là hoàn thiện bảng tiêu chí thi đua lớp.

Đối với học sinh đầu cấp, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh hiểu và thực hiện thống nhất. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phổ biến thật kĩ các tiêu chí, thang điểm cộng, trừ thi đua; cho học sinh nêu ý kiến về các tiêu chí, các thang điểm cộng trừ ở từng tiêu chí để tiến hành hoàn thiện bảng tiêu chí phù hợp; cho học sinh biểu quyết thống nhất các nội dung và thang điểm cộng, trừ ở từng tiêu chí.

Đối với các lớp tiếp theo của cấp học, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần phổ biến lại các tiêu chí, thang điểm cộng, trừ thi đua. Cần nhấn mạnh những điểm đã bổ sung, chỉnh sửa so với các tiêu chí thi đua của lớp ở năm học trước (nếu có). Sau đó thực hiện bước biểu quyết thống nhất.

Giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp  ảnh 1

Mẫu phiếu báo kết quả học tập và hạnh kiểm theo tháng được cô Bùi Thị Nguyệt Thu chia sẻ.

Xây dựng bộ máy tổ chức tự quản của lớp

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chủ nhiệm là lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tự quản có uy tín, có trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh. Ban cán sự tốt là chỗ dựa vững chắc cho giáo viên chủ nhiệm trong các hoạt động giáo dục học sinh.

Có hai cách hình thành: Giáo viên chủ nhiệm tự lựa chọn trên cơ sở tìm hiểu học sinh; tập thể lớp tự lựa chọn, bầu ra trên cơ sở bỏ phiếu kín.

Dựa vào việc nghiên cứu và nắm vững tình hình của lớp đầu cấp, giáo viên chủ nhiệm cần suy nghĩ ngay đến việc tổ chức bộ máy tự quản cho lớp.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, học bạ và quan sát thực tiễn, giáo viên chủ nhiệm chỉ định một ban cán sự lâm thời như sau: Giáo viên chủ nhiệm tự nghiên cứu và định hướng một ban cán sự lâm thời; tiến hành bầu ban cán sự lâm thời trong buổi sinh hoạt đầu tiên; tiến hành họp ban cán sự phiên họp đầu tiên.

Thông thường phiên họp ban cán sự đầu tiên trong năm học được cô Bùi Thị Nguyệt Thu thực hiện ngay sau khi kết thúc buổi sinh hoạt chung đầu năm.

Cần lưu ý: Đối với học sinh lớp đầu cấp còn bỡ ngỡ, giáo viên chủ nhiệm phải là người “cầm tay chỉ việc” cho các tổ trưởng thực hiện công việc này; có thể phải mất tầm ba đến bốn tuần các em mới quen việc.

Với học sinh ở các lớp tiếp theo của cấp học, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần nhắc nhở, dặn dò rút kinh nghiệm từ công việc của năm trước để ban cán sự cải thiện tốt hơn ở năm tiếp theo. Nếu trường hợp ban cán sự có thay đổi thành viên mới, giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian hướng dẫn thật kĩ cách thức từng công việc được giao.

Ngoài ra, cô Bùi Thị Nguyệt Thu cho rằng, cần thiết lập tốt các mối quan hệ trong tập thể với các công việc: Thiết lập sơ đồ chỗ ngồi; hình thành mô hình “bạn giúp bạn”, “đôi bạn cùng tiến”; tổ chức các hoạt động đa dạng cho tập thể học sinh (hoạt động học tập và rèn luyện; tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào, lao động, vệ sinh trường, lớp…).

Giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp  ảnh 2

Ảnh minh họa.

Quản lý khoa học số lượt vi phạm, điểm tốt của học sinh

Để rõ hơn về tình hình chuyên cần, nề nếp, tình hình học tập của học sinh lớp chủ nhiệm, cô Thu lập bảng quản lý số ngày nghỉ, số lượt vi phạm, các mặt tốt của học sinh. Thông tin này từ ghi nhận của giáo viên bộ môn, của đoàn thanh niên, của giám thị.

Nếu vì một lý do nào đó, giáo viên chủ nhiệm không thể tiếp tục theo lớp thì các thông tin từ bảng quản lý sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm mới nắm bắt nhanh chóng, rõ ràng được rõ tình hình của lớp.

Bên cạnh đó, mỗi khi lãnh đạo trường thực hiện công tác thăm lớp, nhìn vào thông tin từ bảng quản lý, lãnh đạo trường cũng có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình lớp.

Cần lưu ý thêm, giáo viên chủ nhiệm cần cập nhật các thông tin trên tối thiểu 1 tuần 1 lần, không đề dồn nhiều tuần sẽ rất khó quản lý.

Giáo viên chủ nhiệm là “cầu nối đa năng”

Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh sự quán xuyến, đôn đốc, theo dõi của giáo viên chủ nhiệm còn có một tập thể các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy và truyền đạt kiến thức bộ môn. Giáo viên chủ nhiệm có thể trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực…của từng học sinh trong lớp.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm cũng cần kết nối thường xuyên, chặt chẽ với đoàn thanh niên, giám thị; từ đó giúp nhìn nhận đánh giá khách quan về chất lượng học tập của từng học sinh trong lớp đồng thời có biện pháp động viên, nhắc nhở, giáo dục phù hợp đối với từng học sinh giúp các em học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức tốt hơn.

Tương tác với cha mẹ là một phần thiết yếu trong công việc của bất kỳ giáo viên nào. Cô Bùi Thị Nguyệt Thu gợi ý, ngoài các cuộc họp phụ huynh theo định kì, giáo viên chủ nhiệm có thể tạo các kênh liên lạc với gia đình học sinh qua điện thoại, lập nhóm zalo…, để duy trì kết nối, trao đổi thường xuyên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp