Củng cố, nâng chất lượng phổ cập
Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho hay, để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện, nâng cao chất lượng phổ cập trẻ 5 tuổi, hướng đến phổ cập trẻ 3-4 tuổi, Trường Mầm non Xá Lượng đã triển khai nhiều hình thức, giải pháp hiệu quả. Trong đó, đầu tiên là tổ chức đa dạng mô hình bán trú phù hợp thực tiễn. Là trường học gồm 12 nhóm lớp và 33 trẻ, nhưng lại có tới 6 điểm trường đóng rải rác ở các thôn bản.
Để thực hiện có chất lượng công tác bán trú nhằm nâng cao sức khỏe và thể lực cho trẻ. Nhà trường đã tổ chức 2 hình thức mô hình bán trú. Theo đó, tổ chức bán trú cô nuôi ở điểm trường chính tại bản Cửa Rào với 114 cháu tham gia. Trong quá trình tổ chức, nhà trường thường xuyên mời Ban đại diện phụ huynh học sinh trường đến tham gia kiểm tra chất lượng bữa ăn của trẻ. Đóng góp ý kiến và tham mưu UBND xã Xá Lượng tổ chức kiểm tra công tác bán trú cho học sinh và hồ sơ sổ sách quản lý.
Các điểm trường lẻ do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kinh tế phụ huynh khó khăn nên trường triển khai mô hình bán trú dân nuôi. Hình thức tổ chức là cho trẻ tự mang cơm đến lớp. Hàng ngày cắt cử từ 1-2 phụ huynh đến lớp theo phiên tham gia đến trường giúp đỡ cô giáo nấu thêm canh trưa, vệ sinh lớp học, chăm sóc vườn rau sạch…
Nhà trường còn triển khai mô hình bát cháo dinh dưỡng, huy động nguồn xã hội hóa, phụ huynh đóng góp tiền hoặc thực phẩm để nấu cháo bữa xế cho trẻ. Thực hiện mô hình vườn rau sạch và hạt giống mẹ trồng để tăng thực phẩm cho bữa ăn bán trú. Tham gia chương trình sữa học đường. Đồng thời phối hợp với Trạm Y tế xã Xá Lượng, tổ chức các theo dõi biểu đồ, khám sức khỏe định kỳ, thực hiện lịch tiêm chủng, uống vắc xin và phòng chống tai nạn thương tích.
Sau 2 năm học (2020 -2021 và 2021 -2022) các hoạt động phối hợp chăm sức khỏe cho trẻ được tổ chức khoa học, đúng định kỳ và có nền nếp chất lượng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm giảm sâu (4,2 % thể nhẹ cân; 8,8 % thể thấp còi).
Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh, gia đình để thực hiện chương trình giáo dục trẻ ở trường và ở nhà, đặc biệt phát huy hiệu quả trong thời gian trẻ nghỉ phòng chống dịch Covid-19 tại nhà. Cụ thể, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tổ chức xây dựng bài phát thanh; vi deo; phát tài liệu bài học của trẻ, xây dựng góc học tập cho trẻ tại gia đình và hướng dẫn phụ huynh cùng học tập và vui chơi an toàn cùng trẻ. Nội dung là các chủ đề quan trọng, cốt lõi trong chương trình giáo dục trẻ, đặc biệt là mầm non 5 tuổi lên lớp 1.
Với công tác phối hợp cùng chính quyền địa phương, đoàn thể, xã hội cộng đồng, theo cô Lê Hồng Quang là vấn đề quan trọng để phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Theo đó, nhà trường chủ động tham mưu kịp thời với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Xá Lượng về kế hoạch hoạt động của nhà trường. Qua đó, để địa phương đưa các nội dung này vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm.
Cụ thể như tăng cường cơ sở vật chất cho trường mầm non theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và lộ trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp và phổ cập nhóm 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập 5 tuổi. Hỗ trợ đời sống giáo viên, đặc biệt giáo viên hợp đồng, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, cấp đất cho trường mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc – giáo dục trẻ.