Giải pháp nào khai thác tài nguyên giáo dục mở?

06/07/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nếu các trường biết khai thác, tận dụng tốt tài nguyên giáo dục mở, nguồn tài nguyên này sẽ tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm...

Tài nguyên giáo dục mở được xem như một trong những nguồn học liệu lớn giúp sinh viên, giảng viên các trường đại học có thể tham khảo, nghiên cứu và học tập chủ động trong bối cảnh số hóa.

Tài nguyên giáo dục mở còn “nhạt”

Tại Hội thảo “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam” vừa tổ chức tại TPHCM, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết năng lực làm việc, khai thác tài nguyên giáo dục mở của giảng viên còn hạn chế.

Vụ Giáo dục Đại học đã tiến hành khảo sát về vấn đề trên ở 273 cơ sở giáo dục đại học, hơn 7 nghìn giảng viên, cán bộ quản lý và trên 78 nghìn sinh viên cũng cho thấy đa số sinh viên không biết hoặc chưa có nhận thức đầy đủ về tài nguyên số, đặc biệt tài nguyên giáo dục mở và khả năng ứng dụng, phát triển trong dạy và học.

Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, tài nguyên giáo dục mở hiện nay chủ yếu có ở 3 nguồn: Nước ngoài, trong nước và tự xây dựng. Trong đó tài nguyên mở đến từ nước ngoài vẫn chiếm đa số. Để khai thác, vận dụng hiệu quả nguồn học liệu, tài nguyên mở vào học tập, nghiên cứu thì sinh viên, giảng viên các trường đại học ngoài có vốn tiếng Anh tốt, thói quen khai thác cần có hệ thống hạ tầng công nghệ đạt chuẩn và đồng bộ.

Nhìn nhận nhiều trường đại học của Việt Nam còn giữ tư duy “của tôi, tôi dùng”, dẫn tới việc chia sẻ nguồn dữ liệu dùng chung hạn chế, thiếu hụt, TS Nguyễn Đức Trung, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết việc xây dựng, phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường cũng chưa phổ biến.

“Thực tế, nếu các trường biết khai thác, tận dụng tốt tài nguyên giáo dục mở, nguồn tài nguyên này sẽ tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp các cơ sở giáo dục đại học khai thác tối đa tri thức của nhân loại để giảng dạy, nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Hiện, các trường đại học ở Việt Nam không chỉ thiếu hụt nguồn học liệu, mà tài nguyên giáo dục mở chung cho hệ thống giáo dục đại học cũng mờ nhạt.

Nguồn tài nguyên này chủ yếu được xây dựng và sử dụng trong từng trường một cách độc lập, thiếu sự phối hợp, sẻ chia nên chưa hiệu quả. Hầu hết, giảng viên cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức được việc tạo lập và chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở”, TS Trung nói.

Giải pháp nào khai thác tài nguyên giáo dục mở? ảnh 1

Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. Ảnh: ITN

Cần khung pháp lý chung

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT, cho biết: Hiện nay, một số trường đại học đã triển khai tài nguyên giáo dục mở nhưng chưa có khung pháp lý hướng dẫn xây dựng và khai thác tài nguyên. Vì vậy, giảng viên đại học và người học tại Việt Nam chưa được tiếp cận, lĩnh hội các cơ chế chính sách mang tính khuyến khích và hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn một cách hệ thống về nguồn tài nguyên giáo dục mở.

Chính vì thế, việc tham gia khai thác và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học trong nước chưa dựa trên một cơ sở pháp lý đầy đủ, thiếu quan tâm thỏa đáng, không có tính kế hoạch chiến lược rõ ràng. Đó là lý do khiến việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở ở các trường đại học chưa phổ biến, ít triển khai; hầu hết giảng viên dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức tạo lập và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm: Trước nhu cầu cấp bách của việc xây dựng khung pháp lý hướng dẫn xây dựng các tài nguyên giáo dục mở dùng chung trong giáo dục đại học, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, gần 2 năm qua, Vụ Giáo dục Đại học đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về chủ đề xây dựng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Vụ đã xin ý kiến của các bộ, ngành và sở GD&ĐT trên cả nước, lấy ý kiến bằng văn bản của hơn 200 trường đại học, đồng thời thực hiện khảo sát qua đường link với 3 đối tượng: Cơ sở đào tạo, giảng viên và sinh viên.

“Sau gần 2 năm thực hiện với rất nhiều nội dung, đến nay, quyết định ban hành Đề án xây dựng tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học đã được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng ý cho phép trình Thủ tướng Chính phủ và Vụ Giáo dục Đại học đang thực hiện những bước cuối cùng để Thủ tướng ký ban hành Đề án.

Đây là khung pháp lý hết sức quan trọng, chính thức mở ra một kỷ nguyên số trong giáo dục đại học mà ở đó cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về các nguồn học liệu, nguồn tài nguyên có chất lượng sẽ chính thức được triển khai ở mọi cấp bậc khác nhau”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khung pháp lý mà Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đề xuất bao gồm: Quy định tiêu chuẩn của học liệu số; quy trình đảm bảo chất lượng; vấn đề tác quyền và sở hữu; quyền lợi của người xây dựng và trách nhiệm của người sử dụng nguồn học liệu; quy định sử dụng trong giảng dạy và học tập; cơ chế quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào khai thác tài nguyên giáo dục mở?