Theo ý kiến của nhiều đơn vị giáo dục, công tác tuyển sinh lớp 6 cần tránh gây áp lực lớn cho học sinh nhưng cũng gắn với đảm bảo chất lượng.
Nhiều ý kiến quan tâm đến quy định tuyển sinh mới
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2025-2026, việc tuyển sinh vào lớp 6 chỉ bằng hình thức xét tuyển, không còn thi tuyển kể cả đối với các trường trọng điểm, chất lượng cao. Điều này tác động đến kế hoạch tuyển sinh lớp 6 của nhiều địa phương, nhất là đối với các trường trọng điểm, chất lượng cao. Đồng thời nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – phường Quán Bàu (TP Vinh, Nghệ An) có con gái đang học lớp 5, dự định đăng ký vào Trường THCS Đặng Thai Mai - trường trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn. Những năm trước, việc tuyển sinh vào trường gồm điểm hồ sơ kết quả học bạ kết hợp thi đánh giá năng lực. Chị cho biết, thời gian qua, con gái đang tập trung ôn luyện Toán, Tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, với quy định mới, chị băn khoăn liệu rằng bài thi đánh giá năng lực có bị bãi bỏ và thay bằng phương thức xét tuyển khác.
Phụ huynh cũng tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh lớp 6 hàng năm và cho rằng, nếu như xét tuyển kết quả học tập, thì với những trường THCS trọng điểm sẽ có rất nhiều hồ sơ đẹp, kết quả loại giỏi. Để sàng lọc có thể không chỉ tính kết quả lớp 5, mà có thể kéo đến cả 5 năm tiểu học. Trong khi điểm “giỏi”của mỗi trường khác nhau, khó đảm bảo công bằng. “Bên cạnh đó, học sinh nào có các tiêu chí phụ như đạt giải các sân chơi, giao lưu kiến thức sẽ có lợi thế. Còn những em lâu nay không tham gia những sân chơi này mà chỉ tập trung bồi dưỡng kiến thức để thi tuyển sẽ thiệt thòi và giờ cũng không kịp chuẩn bị”, chị Thanh Tâm bày tỏ.
Kỳ thi tuyển sinh vào Trường THCS Đặng Thai Mai được xem là kỳ thi “căng” nhất đối với bậc tiểu học ở thành phố Vinh. Năm ngoái, toàn thành phố có 1.259 học sinh dự thi nhưng chỉ có 309 học sinh trúng tuyển, tỷ lệ chọi là 1/4. Số lượng học sinh dự thi hàng năm chiếm hơn 10% học sinh tiểu học toàn thành phố. Do tính chất cạnh tranh cao, nên để chuẩn bị cho kỳ thi này, phụ huynh, học sinh phải đầu tư nhiều công sức, chi phí để học thêm.
Cô giáo Lê Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cho biết, hàng năm có khá nhiều học sinh đăng ký dự thi vào Trường THCS Đặng Thai Mai. Dù đây đều là những học sinh có lực học rất tốt nhưng để chuẩn bị thi vào trường trọng điểm, áp lực ôn tập rất lớn. Nhiều em phải đi học thêm ngoài ở các trung tâm. Vì vậy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao ủng hộ quy định bỏ thi tuyển của Bộ GD&ĐT, với mục tiêu giảm áp lực cho học sinh.
Tuy nhiên trên thực tế, nếu không tổ chức thi thì việc xét tuyển có thể phải dựa vào nhiều tiêu chí, xét kết quả học tập cả 5 năm Tiểu học để sàng lọc. Và học sinh vẫn bị áp lực khi muốn bổ sung kết quả tiêu chí phụ để tăng lợi thế khi xét tuyển. Theo cô Lê Trường Giang, để giảm bớt áp lực cho học sinh, nên học sinh ở phường nào sẽ phổ cập phường đó. Quá trình dạy học, các trường sẽ phát hiện, bồi dưỡng để các em vẫn có thể phát triển năng lực và tạo mũi nhọn cho các nhà trường.
Đề xuất tự chủ tuyển sinh gắn với đảm bảo chất lượng
Tại Nghệ An, hầu hết các trường THCS đều thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo hình thức xét tuyển đối với học sinh diện phổ cập trên địa bàn. Tuy nhiên, các trường trọng điểm có hồ sơ đăng ký tuyển sinh cao hơn nhiều so với chỉ tiêu, ngoài tổ chức xét tuyển kết hợp thi đánh giá năng lực.
Có thể kể đến các trường như THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh), Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương), Trường THCS Hồ Xuân Hương (huyện Quỳnh Lưu), Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành), Trường THCS Tôn Quang Phiệt (huyện Thanh Chương)… tỷ lệ cạnh tranh đầu vào lớp 6 được đánh giá cao.
Qua nhiều năm tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 với nhiều hình thức như thi tuyển, kiểm tra năng lực và xét tuyển, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang cho biết, nhà trường đã từng áp dụng phương thức thi tuyển, xét tuyển, kiểm tra năng lực. Trong đó, 3 năm gần đây trường thực hiện xét tuyển đầu vào, chất lượng khá tương đương với thi tuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, thì phải đưa ra bộ tiêu chí tương ứng với thang điểm phù hợp.
Đối với tuyển sinh đầu vào Trường THCS Lý Nhật Quang, căn cứ quan trọng nhất là điểm thi cuối năm lớp 5 và kết quả học bạ. Bên cạnh đó, xét đến tiêu chí phụ từ các sân chơi của tuổi học trò, quy thành điểm cộng ưu tiên.
Cụ thể, những cuộc thi nào do Bộ, Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức, hoặc cuộc thi cấp huyện, đảm bảo về chất lượng thì điểm cộng ưu tiên sẽ cao. Những cuộc thi nào mang tính chất đại trà, mức điểm sẽ cho thấp hơn để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho học sinh.
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho rằng, quy định mới về việc không thi tuyển sinh vào lớp 6 nhằm mục đích giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, khi thực hiện cần tránh xét tuyển với nhiều tiêu chí, sẽ “lợi bất cập hại” gây áp lực chồng áp lực.
Thực tế đối với các trường trọng điểm, có đông học sinh đăng ký dự tuyển, chỉ xét 1 tiêu chí sẽ rất khó để sàng lọc mà phải đưa thêm nhiều tiêu chí khác, cộng điểm ưu tiên… Vô hình chung dẫn đến một cuộc chạy đua về học bạ, về các chứng chỉ, chứng nhận từ các cuộc thi, sân chơi trí tuệ.
Vì vậy, tùy vào thực tế của từng trường mà Phòng duyệt kế hoạch phương án tuyển sinh lớp 6 tương ứng. Đối với trường trọng điểm, theo mô hình tiên tiến những năm gần đây, TP Vinh đưa ra phương án xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực tổng hợp.
Trong giáo dục cần đáp ứng chất lượng đại trà, đào tạo kiến thức đạt chuẩn nhưng cũng cần quan tâm đến chất lượng mũi nhọn, đào tạo nhân tài. Vì vậy, ngoài trường trọng điểm, Phòng cũng đồng ý các trường THCS ở xã, phường có lớp chọn, lớp tăng cường tiếng Anh... để phát hiện, bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã cho phép trường tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục. Vì thế, bên cạnh quy định chung, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũng bày tỏ mong muốn các địa phương được tự chủ trong tuyển sinh lớp 6, gắn với đảm bảo chất lượng.