Theo quy chế mới, phương thức tuyển sinh vào lớp 6 THCS là xét tuyển, không tổ chức thi.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT với nội dung bỏ thi tuyển vào lớp 6, vấn đề các trường THCS chất lượng cao, trường tư thục sẽ tuyển sinh lớp 6 như thế nào trong năm học tới đây nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Đồng tình với quy định mới, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) cho rằng, không tổ chức thi để tuyển học sinh vào lớp 6 giảm áp lực học tập cho học sinh, bớt mối lo và sự vất vả cho các gia đình.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Lượng - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho rằng, thực hiện xét tuyển với tiêu chí chung vào các trường công lập là phù hợp, bảo đảm công bằng, giảm áp lực cho học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, với các trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, cần có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực và công bố sớm để phụ huynh nắm bắt. Cơ quan chức năng cần kiểm tra việc tuyển sinh ở các trường này để bảo đảm không gây thêm áp lực với học sinh.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý trường học, phương thức xét tuyển vào lớp 6 mới không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn giúp nhà trường bớt vất vả. Mạng lưới trường học trên địa bàn Hà Nội hiện có đủ các loại hình trường, đáp ứng tốt nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Tại Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), theo chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Phạm Trâm Anh, Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT sẽ giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học, nếu các em có năng lực tốt sẽ trúng tuyển vào trường chất lượng cao phù hợp.
Theo quy định của Thông tư, việc tuyển sinh học sinh vào lớp 6 được thực hiện 1 lần/năm. Phương thức tuyển sinh áp dụng thống nhất tại các địa phương là xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Quy chế mới còn giảm quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký tuyển sinh. Theo đó, việc đăng ký tuyển sinh THCS được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện đăng ký tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Trường THCS Cầu Giấy - 1 trong 5 trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội, nhiều năm nay luôn có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào trường ở mức cạnh tranh cao. Với chỉ tiêu hơn 400 học sinh lớp 6, nhưng hằng năm có tới 3.000 hồ sơ nộp vào trường.
Cô Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho hay, quy định mới của Bộ GD&ĐT là phù hợp, tuy nhiên với đặc thù trường chất lượng cao, việc tuyển sinh sẽ khó khăn nếu chỉ áp dụng xét tuyển. Nhà trường sẽ chờ hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ Sở GD&ĐT Hà Nội và quận Cầu Giấy. Đồng thời, nhà trường chủ động nghiên cứu phương án tuyển sinh phù hợp nhất để có thể tìm ra phân hoá đối tượng trong hoàn cảnh nhu cầu của phụ huynh nhiều hơn so với chỉ tiêu nhà trường được tuyển.
Tương tự, cô Lê Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) chia sẻ, chỉ tiêu tuyển sinh của trường hàng năm là 250 học sinh, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký thường cao gấp 10 lần.
Vài năm trước, nhà trường từng áp dụng phương thức xét tuyển nhưng không duy trì được vì không hiệu quả, phù hợp. Vì vậy, trường đã thực hiện phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá để tuyển học sinh lớp 6. Theo đó, mỗi học sinh sẽ làm bài tổ hợp trong vòng 40 phút để thể hiện kiến thức, kỹ năng với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Dù nhận được hơn 2.500 hồ sơ nhưng qua sàng lọc của Ban Tuyển sinh, chỉ có khoảng 600 học sinh đủ điều kiện vào kiểm tra, đánh giá. Do đó, cô Nguyệt đề xuất Trường THCS Lê Lợi được tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển cùng với kiểm tra năng lực học sinh trong kỳ tuyển sinh năm học 2025 - 2026.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Để việc xét tuyển được thực hiện công bằng, khách quan, minh bạch, giảm áp lực cho học sinh và phù hợp với thực tế, căn cứ quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành, các sở GD&ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho các trường.
Nguyên tắc của Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT là việc tuyển sinh ở bất kỳ trường trung học cơ sở nào đều thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đây là căn cứ để các sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh.
Các sở GD&ĐT cần có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi xét tuyển theo tiêu chí chung nhưng có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao. Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển, mà còn đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh...
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, phương thức xét tuyển tiếp tục được áp dụng với các trường THCS công lập trong kỳ tuyển sinh năm học 2025 - 2026. Sở khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, trong đó có tuyển sinh lớp 6. Sau khi được UBND TP phê duyệt, sở sẽ công bố rộng rãi, làm căn cứ để các đơn vị, nhà trường tổ chức tuyển sinh bảo đảm đúng quy định.