Giảm điểm lẻ, tăng cơ sở vật chất trong năm học mới

Hà Thuận | 03/09/2022, 13:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tỉnh Lào Cai xác định dồn nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Muốn vậy, trước mắt phải thực hiện mục tiêu “giảm trường lẻ, tăng cơ sở vật chất”.

Đưa trò từ bản về trung tâm

Năm học 2022 – 2023, Lào Cai có hơn 17.300 học sinh lớp 3, trên 15.200 em lớp 7 và gần 8.400 em lớp 10. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Lào Cai đã chủ động rà soát quy mô trường lớp, sẵn sàng cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu Chương trình mới.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian qua, ngành GD-DT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh; Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, 7 và 10.

Ngành GD-ĐT Lào Cai đồng thời thực hiện hiệu quả việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo Đề án số 6 của Tỉnh ủy,đáp ứng mục tiêu đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện – Nguồn nhân lực – Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025.

Việc quy hoạch trường, lớp gắn với đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các trường ở vùng cao, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi tập trung giảm, xóa, gộp điểm trường. Đồng thời giảm số lớp và học sinh ở điểm trường lẻ. Trên cơ sở đó, tăng số học sinh ở trường chính để tập trung đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, sắp xếp trường, lớp để đáp ứng tốt nhu cầu học tập. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” – bà Dương Bích Nguyệt cho hay.

Giảm điểm lẻ, tăng cơ sở vật chất trong năm học mới ảnh 1
Giáo viên Trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng, thị xã Sa Pa kiểm tra thiết bị tại phòng Tin học.

Theo kết quả thực hiện Đề án, đến năm học 2021 – 2022, tỉnh Lào Cai đã sáp nhập từ 145 trường xuống còn 71. Sáp nhập 232 điểm trường mầm non lẻ với tiểu học. Đồng thời, xóa 92 điểm lẻ, đưa hơn 19 nghìn học sinh từ điểm bản về trường chính.

Hướng tới đổi mới, phát triển

Năm học 2022 – 2023, thị xã Sa Pa có 60 trường với trên 22 nghìn học sinh. Trong đó, có 1.837 học sinh lớp 3 và 1.639 em lớp 7. Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa, để đảm bảo quy mô trường, lớp và cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới, địa phương đã đẩy mạnh huy động học sinh lớp 3 về trung tâm.

Theo ông Chinh, đến nay, 40/40 trường tiểu học và THCS trên địa bàn có phòng Tin học. Ở các trường, máy tính và máy chiếu đảm bảo cho dạy học; sử dụng tích hợp phòng học để dạy Tiếng Anh.

“Chúng tôi ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, kiên cố và hiện đại hóa. Cơ bản đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày. Chỗ ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, trường, lớp học từng bước hiện đại từ vùng thấp đến vùng cao, thôn, bản” – ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát quy mô trường lớp và cơ sở vật chất để có phương án chuẩn bị, bổ sung đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT mới. Riêng phòng học của các lớp 3, 7, chúng tôi ưu tiên lắp đặt nhiều thiết bị như: Tivi, máy chiếu và có kết nối mạng Internet” - ông Chinh nói.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: “Chúng tôi đang hướng đến đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GD&ĐT. Phấn đấu trở thành tốp đầu của tỉnh vào năm 2025, với 79% trường đạt chuẩn quốc gia.

Chính vì thế, một trong những đề án thành phần được địa phương đẩy mạnh là quy hoạch, sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn cơ bản kiên cố hóa vào năm 2025. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị để thực hiện Chương trình GDPT mới”.

Giảm điểm lẻ, tăng cơ sở vật chất trong năm học mới ảnh 2
Tỉnh Lào Cai yêu cầu các trường đảm bảo SGK cho học sinh trước thềm năm học mới.

Trên cơ sở, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1, 2, 6, ngành GD-ĐT Lào Cai đã rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai ở năm học tới. Cùng với đó, thực hiện rà soát để sắp xếp, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo cân đối, hợp lý về số lượng, môn học gắn với từng vị trí việc làm. Xây dựng chính sách thu hút bổ sung nguồn giáo viên có chất lượng, đặc biệt đối với các môn Ngoại ngữ và Tin học.

Song song với đó, theo bà Dương Bích Nguyệt, Lào Cai cũng chủ động mời các chuyên gia, quản lý (trong và ngoài nước), nhà khoa học tham gia Ban đổi mới chương trình GDPT. Mục đích là để giới thiệu về định hướng, nội dung đổi mới cũng như mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán.

Đồng thời, tập huấn một số nội dung giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng đổi mới. Tập huấn sử dụng SGK cho 100% giáo viên dạy các lớp 3, 7 và 10.

“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai nhấn mạnh.

Đến nay, Lào Cai có gần 65% trường đạt chuẩn quốc gia; 76% phòng học kiên cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày. Do quy mô giáo dục hằng năm đều tăng nên giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Lào Cai có chủ trương xây dựng bổ sung 1.186 nhà công vụ, phòng ở bán trú cho học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm điểm lẻ, tăng cơ sở vật chất trong năm học mới