Chiều 6/12, tại buổi thảo luận tổ trong Kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đặt vấn đề vì sao UBND TPHCM chưa trình lên HĐND thành phố dự án xây dựng cầu Cần Giờ như kế hoạch đưa ra trước đó.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Ngô Tùng
Trao đổi về dự án cầu Cần Giờ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, thời gian qua, HĐND TPHCM rất quan tâm, lãnh đạo thành phố cũng ưu tiên đến nhiều công trình, dự án và thông qua chủ trương. Ngay tại kỳ họp này, thành phố cũng trình rất nhiều dự án lớn, dự án nhóm A. Nghị quyết HĐND TPHCM cũng nêu sẽ trình vào kỳ họp cuối năm. Hiện nay, kết quả nghiên cứu đang hoàn tất, Sở GTVT cũng đã trình hội đồng thẩm định thành phố để thẩm định, tuy nhiên không kịp trình tại kỳ họp này như dự kiến ban đầu.
Theo giám đốc Sở GTVT, cầu Cần Giờ là công trình dây văng rất đặc biệt, với nhịp chính thông thuyền 350m vắt ngang và cao 55m với một trụ hình cây đước.
Về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn nên cần có phương án nghiên cứu đảm bảo khả thi, đạt được hiệu quả về kinh tế. Do đó, dự án cần lấy ý kiến của các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT về tĩnh không và luồng hàng hải qua sông Soài Rạp.
Với những đầu việc quan trọng cần đảm bảo như trên, dự án cầu Cần Giờ không kịp trình trong kỳ họp HĐND thành phố lần này.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, phấn đấu trong kỳ họp tiếp theo sẽ cố gắng trình chủ trương đầu tư vào đầu năm 2024, để có thể khởi công năm 2025.
Về nguồn vốn, ông Trần Quang Lâm mong HĐND thành phố cân đối nguồn ngân sách để triển khai. Theo tính toán, cầu có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó 50% được sử dụng từ ngân sách TPHCM, phần còn lại được thực hiện theo hình thức BOT.
Xây dựng trung tâm đào tạo rộng 10ha
Về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ) cho biết đây là “siêu dự án” đang được triển khai nhanh tại huyện.
Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm trao đổi tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Ngô Tùng
Khi hoàn thành sẽ cần một lượng lớn lao động làm việc ở cảng, do đó bà mong sở, ngành, nhà đầu tư có hướng đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực ở Cần Giờ để đáp ứng cho việc vận hành khi cảng đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được trình lên Ban Thường vụ Thành ủy và hoàn chỉnh để chuẩn bị trình Chính phủ. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị đã tính toán đầy đủ về phát triển nguồn lực dịch vụ hàng hải với số lượng người lao động tham gia từ 6.000-8.000 người.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực này, TPHCM sẽ xây dựng trung tâm đào tạo tại khu vực rộng 10ha ở huyện Cần Giờ. Cơ sở này sẽ liên kết với các trường đại học, đào tạo nhân lực phục vụ việc xây dựng, phát triển, vận hành cảng trong tương lai.
Công tác tái định cư khá nhiêu khê
Trao đổi tại tổ, đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho rằng, công tác giải ngân vốn đầu tư là chỉ tiêu chưa được thực hiện tốt năm 2023, mặc dù thành phố và các quận huyện đã có nhiều nỗ lực trong năm nay. Một trong những khó khăn lớn có liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Thành phố có nhiều dự án cần phải bồi thường, giải phóng mặt bằng và muốn làm tốt điều này thì phải tổ chức tái định cư cho người dân. Tuy nhiên công tác này còn khá nhiêu khê”, bà Hiền cho biết.
Đơn cử trường hợp dự án vành đai 3, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết mặc dù người dân đã đồng ý giao đất và mặt bằng, bà con vẫn chậm được giao nền tái định cư. Về vấn đề này, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và môi trường đã tham mưu cho thành phố nhưng vẫn chưa có hướng cấp nền tái định cư cho dân như thế nào…
“Điều này là do chưa có sự nhất quán trong thực hiện của các sở, ngành, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và các dự án”, bà Hiền nói thêm và kiến nghị trong năm 2024, thành phố cần có sự chuẩn bị kỹ về công tác tái định cư để không bị động như vừa qua.