Về Chỉ định thầu (Điều 23), đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cụm từ “cần triển khai ngay” được quy định từ Luật Đấu thầu 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do “cần triển khai ngay tránh gây nguy hại đến sức khoẻ tính mạng, sức khoẻ người dân” đã bị xác định là vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. Vì vậy, khái niệm khi nào “cần triển khai ngay phải được cụ thể hóa”, bà Hà kiến nghị.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đặt vấn đề, với gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu?
“Luật cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật. Bởi hai hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu rất khác nhau”, bà Hà cho hay.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị làm rõ quy định về phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Cụ thể, nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh hay không?
Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.
Bên cạnh đó, dự án luật quy định các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. ĐBQH đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.
Tranh luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí quan tâm đến ý kiến đề nghị bỏ quy định đấu thầu tập trung với thuốc hiếm. ĐBQH phân tích, tại nhiều cơ sở y tế, thuốc hiếm không có để điều trị cho bệnh nhân, bởi số lượng mua quá ít, không ai bán.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có nơi đấu thầu tập trung, phải mua sắm theo hình thức này mới có nhà cung cấp, mới có thuốc để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm. Chính vì vậy, ĐBQH mong muốn tiếp tục giữ quy định này trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).