Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý và những nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng phương án thi, Bộ GDĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn (phương án 2+2).
Tuy nhiên, với một số học sinh, việc thi tốt nghiệp bao nhiêu môn không quan trọng bằng việc xét tuyển vào đại học sẽ áp dụng phương án nào, các tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 có thay đổi hay không. Bởi nếu chỉ để tốt nghiệp THPT, với phần lớn học sinh không quá khó khăn. Vấn đề là kết quả môn thi đó được sử dụng để xét tuyển vào vào một ngành của cùng một trường, tạo nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh có cùng nguyện vọng.
Nguyễn Thùy Dương (học sinh lớp 11 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam) cho biết, em không quá áp lực đối với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT có bao nhiêu môn thi.
Điều Dương quan tâm là ngôi trường em dự định xét tuyển vào đại học bao giờ công bố phương án xét tuyển để ngay từ bây giờ em có sự chuẩn bị, tập trung hơn.
Theo Nguyễn Thùy Dương, nhìn từ những mùa tuyển sinh đại học gần đây, một số trường em quan tâm đang giảm tỷ lệ xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là các phương án xét tuyển kết hợp, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế.
"Bên cạnh việc học trên lớp, em dành nhiều thời gian trau dồi thêm ngoại ngữ, tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm ưu thế trong xét tuyển sau này" - Thùy Dương nói.
“Tôi ủng hộ phương án không cần thiết phải thi nhiều môn và cách thi cũng đơn giản hóa, tiến tới thi trắc nghiệm trên máy tính, giảm áp lực cho người tổ chức thi và thí sinh, giảm tốn kém không cần thiết cho xã hội”.
Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang.