Giáo dục bền vững

Gia Khánh | 16/12/2022, 11:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, UBND Quận 1, TPHCM tổ chức lễ ký kết sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng với trường học trên địa bàn.

Với 5 bảo tàng, trong đó có 3 bảo tàng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và thành phố, mô hình hợp tác này mở ra nhiều hứa hẹn trong công tác giáo dục di sản văn hóa của địa phương.

Di sản văn hoá là tài nguyên vô tận để học suốt đời. Đưa giáo dục di sản vào nhà trường phổ thông là mục đích hướng tới không chỉ của riêng ngành văn hoá, mà của cả ngành Giáo dục. Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông - trung tâm GDTX.

Nhiều trường học đã đẩy mạnh phối hợp với bảo tàng, các thiết chế lịch sử văn hóa địa phương trong giáo dục di sản, đạt được những kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn như Phú Thọ, nơi có 2 di sản được UNESCO công nhận là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, ngành Giáo dục đã tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”, đưa di sản vào giảng dạy trong các nhà trường nền nếp, hiệu quả.

Tuy vậy, nhìn trên diện rộng, hoạt động phối hợp trường học - bảo tàng, các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử trong giáo dục di sản đến nay vẫn chưa đều tay. Nhiều bảo tàng mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ bảo tồn các giá trị, chưa trở thành không gian học tập, mở rộng hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc cho học sinh, dẫn đến lãng phí nguồn học liệu đa dạng phong phú.

Trong khi đó, các trường học lại gặp vô vàn khó khăn trong tổ chức giáo dục di sản, như thiếu thời gian, kinh phí và gay go nhất là thiếu phương tiện dạy học cũng như các hướng dẫn. Chính vì vậy, mức độ đạt được mục tiêu khi giáo dục di sản văn hóa cho học sinh còn thấp. Ở không ít trường học, giáo dục di sản văn hóa chỉ dừng lại ở hoạt động ngoại khóa, phong trào, chủ yếu vẫn là một năm có 1 - 2 lần tổ chức cho học sinh đi thăm bảo tàng, thiết chế văn hóa, di tích lịch sử.

Sự phối hợp giữa các bảo tàng, thiết chế văn hóa, di tích lịch sử với trường học trong giáo dục di sản văn hóa là hết sức cần thiết. Không chỉ giúp phát huy, lan tỏa sâu rộng các giá trị lưu trữ vào đời sống, giáo dục di sản văn hóa còn góp phần bồi đắp cho thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với di sản văn hóa của đất nước. Sự phối hợp này còn mở ra cho ngành hoàn thành mục tiêu giáo dục con người toàn diện, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Do đó, giáo dục di sản văn hóa cần phải đạt được yếu tố thực chất, hiệu quả, bền vững, chứ không đơn thuần chỉ là hoạt động phong trào. Kinh nghiệm từ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - địa phương thực hiện thành công hoạt động đưa di sản văn hóa vào giáo dục trong trường học cho thấy, bên cạnh nâng cao nhận thức vai trò giáo dục di sản trong học đường, xây dựng kế hoạch cụ thể dài hơi, tăng cường sự quan tâm, phối kết hợp giữa chính quyền và liên ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Giáo dục, rất cần đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên và xây dựng chương trình, tài liệu dạy học.

Biên soạn hệ thống giáo án với sự kết hợp từ hai ngành như bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”, tăng cường tập huấn cho người trực tiếp làm công tác giáo dục di sản trong nhà trường phải được xem là hai khâu đặc biệt quan trọng. Để làm tốt, chủ thể chính vẫn là ngành Giáo dục, thế nhưng không thể thiếu sự phối hợp trực tiếp của ngành văn hóa và các ngành, bộ phận khác hỗ trợ. Nâng tính chuyên nghiệp thì công tác giáo dục di sản trong nhà trường mới có thể vượt qua tính chất phong trào, đạt hiệu quả lâu dài, góp phần bảo tồn bền vững cho các di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục bền vững