Tìm phương pháp giáo dục đạo đức lối sống phù hợp cho lứa tuổi “nổi loạn” đã và đang là yêu cầu bức thiết. Kỷ luật tích cực là phương pháp giáo dục hiện đại đã và đang được đánh giá cao từ các nhà tâm lý giáo dục, thầy cô giáo trong quá trình thực hành, trải nghiệm sư phạm.
Theo TS Vũ Việt Anh: Học sinh lứa tuổi “teen” luôn cần một số nhu cầu cơ bản để phát triển hoàn thiện nhân cách như: an toàn, yêu thương, tôn trọng, thông cảm, có giá trị... Do đó, cha mẹ và thầy cô cần có thái độ, hành vi phù hợp để đáp ứng các nhu cầu này. Nên thể hiện cho học sinh thấy an toàn qua sự giáo dục khoan dung, phân biệt đúng sai một cách khoa học.
Cần truyền tới các em thông điệp gia đình, nhà trường là điểm tựa. Mỗi cha mẹ, thầy cô cần thấu cảm, thông cảm và chia sẻ trong quá trình giáo dục. Hãy cùng học sinh thảo luận, bàn bạc để có được những quyết định tốt nhất cho chính các em. Song cũng nên kiên định với các chuẩn mực, xử lý một cách công bằng.
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) khẳng định, để giáo dục đạo đức lối sống học sinh hiệu quả, tích cực đòi hỏi mỗi giáo viên tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở cùng những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, lời nói dịu dàng, thân mật gần gũi và có thể tâm sự chia sẻ.
“Mỗi ngày tới trường, hãy cho các em thấy được thầy cô thấu hiểu, quan tâm, lắng nghe, tạo điều kiện để diễn đạt ý nghĩ, bộc lộ cảm xúc, được thể hiện bản thân… Kỷ luật tích cực luôn là biện pháp hữu hiệu trong quá trình giáo dục toàn diện học trò. Nó cũng góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn cho học sinh…”, cô Thanh bày tỏ quan điểm.
“Giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, giáo dục hiệu quả đạo đức lối sống học sinh cần đi vào gốc rễ vấn đề. Trong đó không thể thiếu sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành; nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt quan trọng, mỗi thầy cô giáo cần thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong quá trình giáo dục tại trường lớp với biện pháp kỷ luật tích cực..”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.
“Cần giúp học sinh thấy được giá trị bản thân. Khi học sinh mắc lỗi không nên coi đó như nhân cách biến dạng, lối sống đạo đức xuống cấp. Cần coi đó như hành vi thiếu tích cực để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp ở giai đoạn tiếp theo...”, TS Vũ Việt Anh.