Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội để bứt phá

Quốc Ngữ (ghi) | 25/01/2023, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vượt qua những khó khăn đặc thù, giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều khởi sắc. 

Tiếp tục vận dụng linh hoạt các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhà trường, địa phương coi đây là cơ hội để giáo dục bứt phá vươn lên trong năm 2023.

TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển

Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội để bứt phá ảnh 1

TS Hồ Văn Thống.

Cùng với triết lý, chiến lược và tầm nhìn đã xác lập, Trường ĐH Đồng Tháp xác định quan điểm phát triển đảm bảo tính kế thừa, toàn diện, đột phá, phát triển nhanh và bền vững. Nhưng quan trọng hơn cả “lấy nhân tố con người là trung tâm của chiến lược phát triển; phát triển vì con người, do con người”.

Trước hết, Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện quyết liệt việc “đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, theo đuổi phương châm “mở””; tiếp tục khai mở và vận dụng hiệu quả bí quyết tự chủ và quản trị đại học tiên tiến. Đồng thời, trường tận dụng lợi thế khu vực cũng như tỉnh Đồng Tháp để triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng hiệu quả, nhanh hơn và với quy mô lớn hơn. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục khai thác tiềm năng lớn về khoa học GD&ĐT để đẩy mạnh đổi mới hoạt động giáo dục; đồng thời chú trọng hơn nữa đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Đặc biệt, Trường ĐH Đồng Tháp lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản lý; đồng thời, tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế của trường đại học đa ngành; tiềm năng của đội ngũ viên chức và người học (tận tâm, giàu khát vọng, khát khao cống hiến, đồng thuận, nhân văn, nhân ái) để đổi mới và phát triển; song hành với triển khai các đề án thu hút, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Nhà trường đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng và văn hóa nhà trường với triết lý giáo dục “Kiến tạo - Chuyên nghiệp - Hội nhập”; tăng cường hợp tác - kết nối với nhà tuyển dụng, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đồng hành với trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, khu vực và cả nước.

Tự chủ đại học là một yêu cầu mới của giáo dục đại học và được nhiều nhà nghiên cứu so sánh như chìa khóa để mở cánh cửa quản trị đại học. Tự chủ đại học là điều kiện “cần và đủ” để Trường ĐH Đồng Tháp tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được, xây dựng chiến lược phát triển và tầm nhìn hướng đến mục tiêu mới, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Nhà trường từng bước xây dựng nền tảng và “chủ động tạo ra các điều kiện” để hướng đến tự chủ đại học trong tương lai.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện

Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội để bứt phá ảnh 2

Ông Trần Thanh Bình.

Cùng với cả nước, TP Cần Thơ tập trung nguồn lực triển khai Chương trình GDPT 2018 theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trên địa bàn thành phố được có sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ… Mạng lưới trường lớp ngày càng phân bố phù hợp. Số lượng trường tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ khá cao (tiểu học: 85,21%, THCS 76,81%, THPT 55,26%). Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 cấp tiểu học là 81,79%, THCS 90,82%, THPT 99,06%.

Bên cạnh những thuận lợi, còn một số khó khăn, vướng mắc như nguồn lực tài chính đầu tư cho đổi mới GD&ĐT tuy được quan tâm nhưng thấp so với nhu cầu. Tình trạng thiếu quỹ đất nâng cấp các trường học tại khu vực trung tâm quận, huyện chưa được khắc phục. Phòng học bộ môn của một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo diện tích, thiết bị bên trong theo quy định. Chính sách tiền lương cho nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non không phù hợp nên chưa thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông mất cân đối, tạo sự thừa, thiếu cục bộ. Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 của thành phố, số giáo viên còn thiếu là 459, trong đó tiểu học 197 giáo viên, THCS 124 và THPT 138.

Năm 2023, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển trong thời gian tới. Trước hết, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là khâu quyết định cho sự phát triển GD&ĐT.

Vì thế, cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và sở GD&ĐT trong vùng để xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đội ngũ, nguồn nhân lực toàn vùng nói chung và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng. Xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn từng tỉnh/thành; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường theo yêu cầu và quy định của trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngành cũng tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy, học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT. Thực hiện đổi mới quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng phát huy dân chủ, tính sáng tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản. Tận dụng cơ hội về sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên

Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội để bứt phá ảnh 3

Ông Lê Quang Trí.

Cùng với cả nước, ngành Giáo dục Tiền Giang đã triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới 2018 ở các cấp học. Hai giải pháp chính được tập trung triển khai là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành.

Toàn tỉnh hiện có 18.419 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; 328.583 trẻ và học sinh. Trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông tại một số đơn vị. Để giải quyết khó khăn, sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị linh động hợp đồng giáo viên đã nghỉ hưu nhưng có nguyện vọng, đảm bảo sức khỏe để tham gia giảng dạy; thực hiện tăng giờ, tăng buổi hoặc thỉnh giảng giáo viên nhằm duy trì chất lượng dạy và học.

Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại địa bàn khó tuyển dụng. Đây là cơ sở pháp lý giúp ngành GD-ĐT giải quyết phần nào những khó khăn về thiếu giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1374 ngày 11/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Các giải pháp được đề ra là: Phối hợp với các trường đại học để đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ; thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71 ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Tiếp đó, bổ sung biên chế, sắp xếp lại đội ngũ phù hợp cũng như điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp…

Về cơ sở vật chất, bằng các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, ngành GD-ĐT đã tăng cường mua sắm trang bị thiết bị dạy, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu phục vụ đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Giai giai đoạn 2010 - 2022, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn ngân sách tỉnh để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí là 6.311 tỷ đồng.

Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương và nguồn vốn huy động khác, ngành GD-ĐT đã trang bị 313 phòng máy vi tính, với số lượng 7.428 máy vi tính, 313 máy in và các thiết bị nối mạng cho phòng máy, 2.409 máy chiếu (projector) kết nối với máy vi tính được lắp đặt cố định tại các phòng học, phòng học bộ môn cho các trường mầm non, phổ thông.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 9.420 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 78,4% so tổng số phòng). Nhiều trường học vùng nông thôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp với đầy đủ phòng thư viện, phòng thực hành thí nghiệm, phòng chức năng, 100% trường phổ thông có thư viện, trong đó có 351 trường có thư viện đạt chuẩn, tỷ lệ 92,36%. Hiện toàn tỉnh có 330/510 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,71%.

Nhờ tiến hành đồng thời các giải pháp, diện mạo giáo dục đã khởi sắc, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2023 và những năm tiếp trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đổi mới giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội để bứt phá