Giáo dục hòa nhập quốc tế nhưng không hòa tan

Hà Nguyên | 27/04/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những mặt tích cực của quốc tế hóa trong giáo dục là điều không thể phủ nhận.

Giáo dục hòa nhập quốc tế nhưng không hòa tan ảnh 1

Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Đại học Lincoln (New Zealand) thông qua thỏa thuận hợp tác chuyển tiếp sinh viên theo hình thức 2 + 2. Ảnh: NTCC

Cần đẩy mạnh truyền thông

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho biết, mỗi cách làm đều có những ưu, nhược điểm nhưng phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở giáo dục đại học liên kết chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh đào tạo. Đây là điều rất đáng quan ngại.

“Bằng cách đó, một số cơ sở giáo dục đại học đang tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nước ngoài có nguồn thu từ người học đến từ Việt Nam nhưng lại không góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực trong nước. Đây là hình thức biến tướng liên kết đào tạo thông qua hợp tác quốc tế”, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khẳng định.

Về phía Bộ GD&ĐT đã có một số giải pháp hạn chế tình trạng này thông qua việc kiểm soát chất lượng đầu vào của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế và vấn đề cấp bằng cho các chương trình. Thế nhưng, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, nếu người học nhận bằng tốt nghiệp của chương trình liên kết mà không có nhu cầu phải kiểm định bằng của Cục Khảo thí – Bộ GD&ĐT thì các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam vẫn có thể liên kết với các cơ sở đào tạo kém chất lượng ở nước ngoài.

“Việc kiểm soát của Bộ GD&ĐT Việt Nam đối với các chương trình liên kết được thực hiện thông qua công nhận bằng. Nếu người học và đơn vị sử dụng lao động không cần thực hiện kiểm định, công nhận bằng thì khâu này sẽ bỏ qua”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh phân tích.

Theo thời gian, bản thân người học và phụ huynh sẽ nhận diện ra những chương trình đào tạo mang yếu tố quốc tế nào tốt. Những cơ sở giáo dục có chất lượng, uy tín ở nước ngoài sẽ có chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng giáo dục và không hạ chuẩn, dù áp dụng ở môi trường đào tạo nào. Như với chương trình liên kết của Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng với Trường ĐH Coventry University, tất cả các bài thi của sinh viên đều được chuyển về Anh để chấm.

Chính vì vậy, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh đề xuất Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người học và phụ huynh biết danh sách những chương trình hoặc cơ sở đào tạo nào ở nước ngoài được đánh giá kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể những chuẩn có liên quan đến trường liên kết đào tạo ở nước ngoài...

“Bộ GD&ĐT đưa ra rất nhiều chuẩn về liên kết đào tạo, các cơ sở đào tạo đều nắm được những yêu cầu này. Thế nhưng có chấp hành hay không lại là vấn đề khác. Vì vậy, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để người học và cả đơn vị tuyển dụng có đầy đủ thông tin và giá trị bằng cấp của các chương trình liên kết”. - PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-hoa-nhap-quoc-te-nhung-khong-hoa-tan-post635782.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-hoa-nhap-quoc-te-nhung-khong-hoa-tan-post635782.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục hòa nhập quốc tế nhưng không hòa tan