Trách nhiệm khơi gợi lòng biết ơn từ học trò của các thầy cô, đặc biệt là giáo viên dạy Ngữ văn đối với thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết...
Để có được khoảnh khắc “đất nước trọn niềm vui” trong ngày chiến thắng của 50 năm trước đây, nhiều thế hệ người Việt đã phải đánh đổi bằng sự ly biệt cùng nỗi đau không gì diễn tả hết được. Bởi vậy, trách nhiệm khơi gợi lòng biết ơn từ học trò của các thầy cô, đặc biệt là giáo viên dạy Ngữ văn đối với thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết.
Giáo dục lòng biết ơn trong bộ môn Ngữ văn nên bắt đầu bằng việc lồng ghép các câu chuyện lịch sử vào chủ đề của từng bài học. Hiện, cấu trúc sách giáo khoa Ngữ văn (bộ Kết nối và tri thức) một năm học gồm 9 bài học gắn với một chủ đề lớn nhất định. Ở mỗi bài học, giáo viên có thể lồng ghép vào một câu chuyện lịch sử để hướng đến mục đích, yêu cầu cần đạt là khơi gợi lòng biết ơn, giáo dục lòng yêu nước.
Chẳng hạn khi giảng dạy các tác phẩm văn học cách mạng, giáo viên cần liên hệ, mở rộng, nhấn mạnh để bồi đắp mạnh mẽ cho tâm hồn học sinh niềm tự hào, lòng tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Ví dụ, dạy truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao thì có thể liên hệ đến tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố để nhấn mạnh thêm số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng. Hay dạy “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thì liên hệ với “Tuyên Ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh…
Từ những liên hệ như thế, giáo viên sẽ giúp các em biết trân quý hơn cuộc sống hòa bình. Ngoài ra, giáo viên có thể lựa chọn hình thức kể thêm các câu chuyện thực tế, gần gũi để học sinh dễ hình dung, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm, tạo nên những rung động mang tính nhân văn đẹp đẽ như chuyện về chị Võ Thị Sáu, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, đội biệt động Sài Gòn…
Hay kể những câu chuyện từ chính cuộc sống đời thường của những người đang âm thầm làm những việc tử tế như hành trình đi tìm hài cốt đồng đội, đấu tranh pháp lý cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, các chính sách đền ơn đáp nghĩa…
Ngoài cách kể chuyện trên, giáo viên có thể cho học sinh xem một số video có nội dung truyền tải các câu chuyện lịch sử. Giáo viên cũng có thể khơi gợi để học sinh tự kể câu chuyện lịch sử mà các em đã biết. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý thời điểm lồng ghép câu chuyện một cách linh hoạt và phù hợp như tổ chức trong phần khởi động, hoặc cuối các bài học trong phần luyện tập, vận dụng.
Hiện, giáo viên có thể vận dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, hiện đại để đạt hiệu quả. Trước hết, giáo viên có thể vận dụng kỹ thuật “khăn trải bàn” nhằm tăng cường sự tham gia của học sinh, phát triển tư duy phản biện và kỹ năng hợp tác, đặc biệt trong việc khám phá các khía cạnh khác nhau của lòng biết ơn.
Như ở tiết đọc hiểu văn bản, đến phần luyện tập, giáo viên có thể cho học sinh trao đổi về lòng biết ơn. Ví dụ, sau khi học xong một bài thơ, truyện ngắn về lòng biết ơn (“Bếp lửa” của Bằng Việt, “Con cò” của Chế Lan Viên), giáo viên yêu cầu học sinh sử dụng kĩ thuật “khăn trải bàn” để thảo luận về những người, sự vật, sự việc thể hiện lòng biết ơn trong tác phẩm.
Đến phần vận dụng, giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết một bài văn ngắn thể hiện lòng biết ơn của mình đối với một người, một sự vật, sự việc nào đó trong cuộc sống. Các em có thể sử dụng “khăn trải bàn” để lên ý tưởng, xác định các chi tiết, hình ảnh, cảm xúc cần thể hiện.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể vận dụng kỹ thuật “đóng vai” nhằm giúp học sinh thể hiện lòng biết ơn thông qua các tình huống thực tế. Giáo viên, chọn một tiết nói và nghe thảo luận về một vấn đề xã hội để tiến hành. Giáo viên đưa ra một tình huống (ví dụ: “Các em bị rơi vào hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh. Các em chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và giành được độc lập, tự do. 50 năm sau, con cháu các em được sống hòa bình, hạnh phúc”).
Học sinh đóng vai thế hệ con cháu và thể hiện lòng biết ơn. Ngoài ra, cũng bằng kỹ thuật này, giáo viên có thể vận dụng trong các tiết đọc hiểu văn bản. Chẳng hạn, cho các em tiến hành sân khấu hóa một đoạn trích nào đó trong các tác phẩm văn học.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể cho học sinh nghe nhạc trong một số thời điểm nhất định của bài giảng để giúp học sinh vừa tập trung hơn vừa qua đó truyền tải được thông điệp về lòng biết ơn đến các em. Giáo viên có thể sưu tầm và lựa chọn những bản nhạc không lời (khi chỉ cần thay đổi trạng thái học tập) và dùng nhạc có lời (khi cần học sinh hướng sự chú ý đến nội dung của lời bài hát) để mở cho học sinh nghe trong khi dạy và học.
Giáo viên cũng cần đặt ra một số nguyên tắc khi sử dụng âm nhạc trong tiết học như mở nhạc với âm lượng vừa phải, hướng dẫn học sinh cách nghe nhạc; lựa chọn những bản nhạc có khả năng kích thích trí não, nhạc chứa nội dung giáo dục cao như nhạc cách mạng; mở nhạc ở thời điểm chuyển giao nội dung…
Vai trò của lòng biết ơn rất quan trọng, giúp phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp, giúp con người sống có tình nghĩa, biết yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa con người với con người. Mặt khác, lòng biết ơn giúp con người hoàn thiện về nhân cách, hướng con người ta đến lối sống nghĩa tình, lành mạnh…
Dạy học Ngữ văn, mỗi giáo viên cần nhận thức đây là cơ hội tốt giúp mình bày tỏ lòng tri ân đến biết bao thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu của mình để đem lại hòa bình cho dân tộc. Sự tri ân thiết thực nhất chính là sự khơi gợi lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tới thế hệ trẻ của các thầy cô đến các em. Từ đó, các em thêm nỗ lực học hành, sống tận hiến để đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” và vững tin bước vào kỉ nguyên mới – kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.