Giáo dục Mầm non cần thích ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2023-2030

Hà An | 22/09/2022, 10:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo dục mầm non trước yêu cầu phát triển giai đoạn 2023 - 2030.

Mong muốn nhận được những ý kiến tâm huyết

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030" và "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030", Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 2 đề án quan trọng trên.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập để xây dựng chương trình, tiến hành khảo sát vùng khó, công tác phổ cập giáo dục Mầm non (GDMN) cho trẻ mẫu giáo và tiến tới xây dựng đề án phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi.

Thời gian qua GDMN đã có bước phát triển về mạng lưới, quy mô và chất lượng có tính bền vững rõ hơn. Tuy nhiên, dỊch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến GDMN.

"Kết quả đáng trân trọng nhưng bất cập còn nhiều, đó là quy mô mạng lưới trường lớp. Chương trình đạt chuẩn đặt ra còn khó khăn nhiều. Thử thách là rất lớn, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ chưa đồng đều tại các vùng miền khác nhau. Cần duy trì chất lượng là chỉ đạo chung của Chính phủ và mong muốn của Quốc hội. Quyền trẻ em đã thể hiện trong các luật, việc không để trẻ em bỏ lại phía sau được tính đến và thực hiện". - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Giáo dục Mầm non cần thích ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2023-2030 ảnh 1

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế và lãnh đạo Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Lưu ý tới tính chất quan trọng của 2 đề án, Thứ trưởng cho rằng các đề án đều có tính gắn kết và mối quan hệ mật thiết. Mong rằng các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý vào 2 đề án thể hiện suy nghĩ, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đề án này, mục tiêu đặt ra của từng Đề án đã trúng chưa. Các đại biểu xem xét thảo luận lộ trình thực hiện phù hợp chưa, thảo luận điều kiện đảm bảo, nhiệm vụ giải pháp đặt ra đã phù hợp chưa. Khi trao đổi về đội ngũ giáo viên cũng lưu ý hoạt động đào tạo của các trường sư phạm, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cần được thực hiện thế nào, vùng khó có đầu tư riêng ra sao.

Đề án cần được hoàn thiện, để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. Chương trình ban hành phải thể hiện logic chặt chẽ, nhận định liên quan đến với các mục tiêu chung, cụ thể, đề xuất giải pháp và nhiệm vụ thực hiện. Phải nhấn mạnh sự cần thiết Phổ cập GDMN 3-4 tuổi, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp chưa, giải pháp quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đổi mới GD, chương trình, phương pháp nuôi dưỡng đã rõ chưa. Cũng như sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai.

Yêu cầu cấp thiết xây dựng 2 đề án

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) cho biết: Thực hiện các Chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phát triển GD-ĐT giai đoạn 2021-2030. Việc ban hành Chương trình “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” là rất cần thiết để củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục.

Giáo dục Mầm non cần thích ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2023-2030 ảnh 2
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh.

Thực hiện tốt việc này, cũng tạo nền tảng vững chắc cho việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi; đặc biệt là tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một; Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” sẽ là điều kiện thuận lợi để giảm bớt sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng/miền trong cả nước.

Trong bối cảnh kế thừa kết quả GDMN giai đoạn trước, việc ban hành và thực hiện 2 đề án nhằm củng cố vững chắc chất lượng GDMN, từng bước nâng cao và giảm thiểu khoảng cách giữa vùng thuận lợi và khó khăn, đảm bảo công bằng trong giáo dục. Tiếp tục đầu tư phát triển GDMN, là gốc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Đảng, nhà nước, thực hiện cam kết của Chính phủ về mục tiêu thiên niên kỉ, đồng thời cũng là mục tiêu nhân văn được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/2021/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1983/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức, cá nhân thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án. Ban hành các kế hoạch thực hiện, xây dựng các Dự thảo, họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập để hoàn thiện 2 hồ sơ Dự thảo trình Chính phủ. Ban soạn thảo đã tổ chức các buổi họp để hoàn thiện Dự thảo 3. Đồng thời tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà giáo dục.

Đề án "Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030" đưa ra 6 nhiệm vụ hoàn thiện, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhà giáo, hỗ trợ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, chương trình phù hợp thế nào, huy động các nguồn lực trong xã hội ra sao, cần có tính kết nối tốt để thực hiện hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo đồng thuận trong xã hội là hết sức quan trọng. Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo (3 – 4 tuổi) cần phải có tính tiếp cận khác, tính logic thế nào, giải pháp đưa ra đã phù hợp hay chưa. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cần được nêu lên để có sự nhìn nhận một cách tổng thế. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục Mầm non cần thích ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2023-2030