Giáo dục

Giáo dục mầm non: Củng cố nền móng, khơi nguồn tương lai

PV 10/04/2025 14:27

Dù đã có nhiều bước tiến trong thời gian qua, nhưng giáo dục mầm non hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, từ tình trạng thiếu giáo viên, đến áp lực về cơ sở vật chất tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Giáo dục mầm non: Củng cố nền móng, khơi nguồn tương lai- Ảnh 1.
Những năm gần đây, giáo dục mầm non ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở các vùng khó khăn - Ảnh: VGP/Tường Minh

Nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đồng đều

Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở các vùng khó khăn. Hệ thống trường lớp từng bước được mở rộng, tỉ lệ trẻ đến lớp ngày càng tăng, đặc biệt là trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Đội ngũ giáo viên được đào tạo đạt chuẩn ngày càng nhiều, chương trình giáo dục mầm non được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với đặc điểm tâm lý, thể chất của trẻ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: "Đến thời điểm này, chất lượng giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng đã có những cải tiến và từng bước nâng cao chất lượng".

Tuy vậy, những thành quả này chưa được phân bố đều và nhiều khu vực, kể cả những nơi kinh tế phát triển nhanh, vẫn còn nhiều bất cập.

Nghịch lý là ở các thành phố lớn, khu đô thị mới, khu công nghiệp - nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, lại đang thiếu trường lớp mầm non một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân chính đến từ tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học quá nhanh, trong khi quy hoạch giáo dục chưa theo kịp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chỉ rõ: "Việc quá tải dân cư, nhập cư, sự phát triển nóng của đô thị, khu công nghiệp, điều kiện sinh hoạt, công việc của phụ huynh không giống nhau đặt ra bài toán về cơ sở vật chất cần được đáp ứng. Về mặt vĩ mô cũng chưa có những quyết sách, chính sách thật sự phù hợp".

Trong khi đó, việc phát triển các cơ sở mầm non ngoài công lập còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính, thiếu quỹ đất, thiếu chính sách hỗ trợ. Tại một số địa phương, sĩ số lớp học vượt xa quy định, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giáo dục mầm non: Củng cố nền móng, khơi nguồn tương lai- Ảnh 2.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương - Ảnh: VGP/Tường Minh
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra trên diện rộng. Nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển hàng nghìn giáo viên, nhưng không đủ chỉ tiêu hoặc không có nguồn tuyển.

Áp lực nghề nghiệp cao, điều kiện làm việc vất vả, thu nhập chưa tương xứng khiến nhiều giáo viên rời bỏ ngành, đặc biệt là ở khu vực tư thục hoặc vùng sâu, vùng xa. Đây là rào cản lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Mục tiêu xuyên suốt trong phát triển giáo dục mầm non hiện nay là bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và tạo nền tảng phát triển lâu dài cho các cấp học sau.

Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng khó khăn, đồng thời giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở đô thị và khu công nghiệp, tiến tới bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng miền.

Giải pháp tổng lực từ Trung ương đến địa phương

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, giải quyết những bất cập của giáo dục mầm non hiện nay không thể chỉ trông chờ vào ngành giáo dục, mà cần sự chung tay từ các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, các giải pháp trọng tâm bao gồm:

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với tốc độ phát triển dân số và đô thị hóa. Bổ sung quỹ đất, ưu tiên cấp phép cho trường mầm non tại khu dân cư mới, khu công nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập có chất lượng. Tuyển dụng đủ giáo viên theo nhu cầu thực tế, có chính sách đãi ngộ hợp lý, nhất là với giáo viên vùng khó khăn. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non không thể chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục. Đây là nhiệm vụ mang tính liên ngành, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Chính quyền các cấp cần chủ động trong quy hoạch, đầu tư, giám sát và xử lý kịp thời những bất cập phát sinh từ cơ sở. Đồng thời, cần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục mầm non một cách minh bạch, bền vững.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/giao-duc-mam-non-cung-co-nen-mong-khoi-nguon-tuong-lai-102250410131851116.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/giao-duc-mam-non-cung-co-nen-mong-khoi-nguon-tuong-lai-102250410131851116.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục mầm non: Củng cố nền móng, khơi nguồn tương lai