Giáo dục

Giáo dục tiểu học: Kiến thức quan trọng nhưng đạo đức là cốt lõi

Minh Trang 22/05/2024 08:12

(GDTĐ) - Học sinh tiểu học ở độ tuổi quan trọng trong việc phát triển nhân cách, giáo dục đúng hướng giúp trẻ có nền tảng đạo đức tốt và một tương lai rộng mở.

Trong bối cảnh công nghiệp hoá, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, coi trọng, phát triển phẩm chất, năng lực của người học trở thành xu thế tất yếu và phổ quát của mọi nền giáo dục trên toàn thế giới.

Xu thế đó đòi hỏi giáo dục phải đào tạo ra những công dân thế kỉ XXI có đầy đủ những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của đời sống, xã hội và hội nhập quốc tế, bao gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể, phù hợp với bốn trụ cột giáo dục theo quan niệm của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định.

hoc-sinh2.jpg
Một giờ học của cô trò trường Tiểu học Vĩnh Tuy.

Ở Việt Nam, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống ngay từ cấp tiểu học được các bộ, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội quan tâm.

Ở lứa tuổi tiểu học, các em dù còn nhỏ nhưng đã bắt đầu hình thành những nét cá tính riêng. Trẻ có thể trở nên khó khăn hơn trong việc nghe lời thầy cô, thích làm theo ý mình và thậm chí có những hành vi không tốt.

Cô Trịnh Mai Ly, giáo viên trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa giành giải nhất “Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố” cho rằng, đây là độ tuổi mà trẻ dần hình thành nhận thức, thái độ sống nên cần được uốn nắn, định hướng theo đúng quy chuẩn của xã hội.

Học sinh tiểu học được giáo dục nhân cách qua các tiết học đạo đức và thực tế. Đạo đức sẽ không là giáo điều nếu các con được tham gia hoạt động, thực hiện nhiệm vụ rồi từ đó tự mình rút ra các bài học. Giáo viên cũng cần lồng ghép giữa lý thuyết và những câu chuyện thực tế, những hình ảnh cụ thể để trẻ dễ hình dung.

Từ những sự việc, hành động, hình ảnh tốt đẹp cụ thể sẽ đi vào tâm thức của trẻ và dần trở thành lẽ phải trong cuộc sống. Khi đó, trẻ sẽ hiểu được bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

1.jpg
Cô giáo Trịnh Mai Ly.

“Trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng. Hơn ai hết, giáo viên là người trực tiếp theo dõi sát sao các em trong quá trình học tập, rèn luyện và là cầu nối đáng tin cậy giữa nhà trường và phụ huynh. Chính vì vậy, yêu cầu về tinh thần trách nhiệm, sự yêu nghề, tấm lòng bao dung, công bằng, chủ động… là rất cao.

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, nắm điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh. Ở độ tuổi này, học sinh rất dễ bị ám ảnh tâm lý và mất niềm tin vào cuộc sống. Với mỗi trường hợp, giáo viên cần xử lý linh hoạt” – Cô Ly cho biết.

Cô Nguyễn Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy khẳng định, phương châm nhà trường luôn là xây dựng trường học hạnh phúc, sao cho giáo viên, học sinh đều mong muốn tới trường. Để giáo dục đạo đức cho các con đạt hiệu quả, các giáo viên phải rất tâm huyết, yêu nghề, coi các con như con cái trong nhà, ngoài truyền đạt kiến thức thì phải dạy các con thành nhân.

hoc-sinh.jpg
Các hoạt động ngoại khoá giúp trẻ phát triển kĩ năng sống, tinh thần đoàn kết.

Thầy cô không chỉ là người đứng trên bục giảng dạy chữ mà phải gần gũi với các con, đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động, dạy các con có kĩ năng sống, dạy các con bài học về làm người.

Để đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động, giáo viên đôi khi cũng phải tự hoá thân, khi thì là ca sĩ, lúc thì là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà biên kịch, nhà quay phim… tìm tòi những gì tốt đẹp nhất đưa vào bài giảng, để các con tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả.

“Một tiết học mà các con ngồi yên, khoanh tay nghe từ đầu đến cuối chính là một tiết học thất bại. Các con cần học mà chơi và chơi cũng như học. Tôi cho rằng, giáo dục trẻ toàn diện trước hết phải chú trọng đạo đức, lòng biết ơn. Kiến thức quan trọng nhưng đạo đức là cốt lõi, một người muốn thành công thì phải vừa có kiến thức, vừa có đạo đức.

Chính vì vậy, chúng tôi luôn hướng đến việc đào tạo song hành giữa kiến thức và đạo đức để các con trở nên năng động, sáng tạo, phát huy hết khả năng của mình, trong một môi trường giáo dục hạnh phúc, trở thành những công dân toàn cầu” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy nhấn mạnh.

Bài liên quan
Giáo dục tiểu học: Chuẩn bị để sẵn sàng đổi mới theo chiều sâu
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý những vấn đề quan trọng với giáo dục Tiểu học trong năm học mới để bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục tiểu học: Kiến thức quan trọng nhưng đạo đức là cốt lõi