Giáo dục vùng biên vượt khó

04/02/2025 16:05

Ở vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc, hành trình dạy - học còn muôn vàn khó khăn, thử thách.

Ba huyện biên giới của tỉnh Bình Phước (gồm Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh) cũng không phải ngoại lệ. Ngành Giáo dục các địa phương đang nỗ lực từng ngày để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.

Thiếu nhân lực lẫn vật lực

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Tân Thành B, xã Tân Thành (huyện Bù Đốp) có 695 học sinh/26 lớp. Tuy nhiên, nhà trường còn thiếu 6 giáo viên so với quy định. Để đảm bảo công tác dạy và học, ban giám hiệu nhà trường nỗ lực vận động 2 giáo viên đã nghỉ hưu quay lại hỗ trợ giảng dạy.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Với số lớp học và giáo viên tăng cường, năm học này, công tác dạy và học của trường cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, sang năm nếu học sinh và lớp học tiếp tục tăng thì tình trạng thiếu giáo viên tái diễn. Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trường luôn trong tình trạng thiếu nhân lực”.

Thiếu giáo viên là bài toán chung của toàn huyện Bù Đốp. Ông Nguyễn Hữu Nhuận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp, cho biết: “Thiếu nhiều nhất là giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học. Hằng năm, ngành Giáo dục huyện đều tuyển dụng sinh viên mới ra trường nhưng không đáng kể so với nhu cầu thực tế”.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.500 giáo viên, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện vùng sâu, xa, biên giới như Bù Đốp, Bù Gia Mập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do số lượng học sinh tăng nhanh, phân bố không đồng đều, trong khi đó, việc tuyển dụng, thu hút giáo viên về công tác ở các địa bàn này còn khó khăn.

giao-duc-vung-bien-vuot-kho-2.jpg
Nghỉ hưu cách đây 2 năm nhưng do thiếu giáo viên, cô Văn Thị Xuân quay trở lại hỗ trợ dạy học Trường Tiểu học Tân Thành B (huyện Bù Đốp).

Bình Phước còn đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất trường học. Tại các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện Bù Gia Mập với ngành Giáo dục, nhiều cán bộ quản lý các trường học đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề nan giải: Thiếu giáo viên chuyên môn Âm nhạc, Tin học; cơ sở vật chất hạn chế; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng trường chuẩn nhiều vướng mắc...

Ông Lê Văn Công - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập, cho biết thêm: “Dù có nhiều nỗ lực trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhưng đến nay, toàn huyện chỉ có 13/33 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường, điểm trường ở vùng sâu, xa vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học...”.

Tại huyện Lộc Ninh, khó khăn lớn trong lĩnh vực giáo dục là công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Có trường được công nhận chuẩn quốc gia đã lâu, song sĩ số học sinh tăng, cơ sở vật chất không đáp ứng được tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT. Một số trường thiếu diện tích đất phải di dời sang địa điểm mới, nguồn vốn đầu tư lớn trong khi ngân sách huyện hạn chế; thủ tục cấp đất, đầu tư... cần nhiều thời gian.

giao-duc-vung-bien-vuot-kho-3.jpg
Là giáo viên THCS nhưng cô Nguyễn Thị Quỳnh Giao được huy động dạy môn Tiếng Anh khối tiểu học nhiều năm nay.

Tìm giải pháp

Thiếu hụt giáo viên và cơ sở vật chất đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giảng dạy, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Chị Nguyễn Thị Lan có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Tân Thành B (huyện Bù Đốp) bày tỏ lo lắng khi trường thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên tiếng Anh. “Con tôi thích học môn Tiếng Anh, nhưng giờ cháu phải học chung với các anh chị lớp lớn. Tôi e rằng cháu khó theo kịp chương trình”, chị Lan băn khoăn.

Tình trạng thiếu cơ sở vật chất còn ảnh hưởng đến học sinh. Em Điểu Thị Hoa - học sinh lớp 9 Trường THCS Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập), chia sẻ: “Trường em nằm ở vùng xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn. Phòng học đã xuống cấp và thiếu nhiều thiết bị dạy học. Em hy vọng trường sẽ được đầu tư xây dựng khang trang hơn để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất”.

Trước những khó khăn trên, ngành Giáo dục hai huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học như: Tăng cường giáo viên THCS về dạy các môn học mới ở cấp tiểu học, điều tiết giáo viên giữa các trường, vận động thầy cô nghỉ hưu quay lại hỗ trợ, tranh thủ tuyển dụng giáo viên mới ra trường, khuyến khích đội ngũ tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại huyện Bù Gia Mập, chính quyền địa phương đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt chú trọng đến trường vùng sâu, xa. Cùng đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học cũng được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, nhất là ở khu vực khó khăn, huyện đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ, đặc biệt giáo viên cho môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, huyện chú trọng nâng cao chính sách hỗ trợ và thu hút nhân sự về công tác tại địa phương, coi đây như giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy dài hạn.

Ở góc nhìn chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế cho rằng, giáo dục vùng sâu, xa, biên giới đang thiếu thốn nhiều mặt, nhất là nhân lực. Để giải bài toán này cần có giải pháp dài hạn.

“Cần bổ sung thêm biên chế giáo viên cho các địa phương vùng sâu, xa, biên giới. Để hút được nhân lực về đây phải tăng lương, phụ cấp, xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ kinh phí đi lại… cho thầy cô. Cùng đó, huy động và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục vùng biên”, ông Tiệp nói.

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới với Campuchia dài 260 km trên địa bàn 3 huyện gồm Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh. Toàn tỉnh có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn; dân số khoảng 1 triệu người, trong đó gần 20% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 41 thành phần dân tộc sống đan xen tại 11 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-bien-vuot-kho-post718125.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-bien-vuot-kho-post718125.html
Bài liên quan
Tài xế ở Bình Phước bị phặt nặng vì che biển số né phạt nguội
Cố ý che biển số để né phạt nguội, ba thanh niên bị phạt hành chính 15 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục vùng biên vượt khó