Tại nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tết trồng cây trở thành truyền thống, được cán bộ, giáo viên, học sinh nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là hoạt động để thầy, trò thực hiện xây dựng trường học: Xanh - sạch - đẹp; thân thiện - tích cực.
Cô Trần Thị Lệ Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Phú 3 (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết: Trồng cây xanh không chỉ trong dịp Tết, đầu xuân, mà là nhiệm vụ thường xuyên. Sau khi trồng, nhà trường đặc biệt chú ý chăm sóc, bảo vệ để trường học luôn xanh - sạch - đẹp; thân thiện - an toàn, hạn chế rác thải nhựa trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.
Những ngày đầu xuân, ngành Giáo dục TP Hà Nội tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và đề nghị các đơn vị, trường học tổ chức hiệu quả. Phát động và tổ chức cho cán bộ, nhà giáo, học sinh trồng cây xanh tại địa phương, khuôn viên trường học.
Cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) cho biết: Cứ dịp đầu xuân mới, nhà trường lại tổ chức Tết trồng cây như “cái hẹn” đặc biệt. Không những thế, trường còn tổ chức hội thi cây giữa các lớp để duy trì hiệu quả việc trồng và chăm sóc cây xanh suốt năm, sau đó cùng nhìn lại thành quả đạt được.
Năm 2023, nhà trường hoàn thiện giàn cây xanh khu vực trước hành lang các lớp. Các loại cây được trồng mới gồm: Mai hoàng yến, dương xỉ treo, trầu bà, thiên môn đông, thường xuân. Nhờ đó, khung cảnh sư phạm nhà trường trở nên tươi tắn, xanh mát, đầy sức sống, đồng thời tạo không khí trong lành và phát triển sức sáng tạo, hứng thú của mỗi học sinh khi đến trường.
Cô trò Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024. Ảnh: NTCC |
Trong ngày làm việc đầu tiên năm mới Giáp Thìn, đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An có chuyến thăm Trường PTDTNT THPT số 2 và trồng 55 cây hoa ban trong khuôn viên trường. Việc lựa chọn trồng cây hoa ban - loài hoa của vùng cao nhằm nhắn nhủ học sinh trường dân tộc nội trú như những bông hoa tươi đẹp đến từ núi rừng. Lãnh đạo sở mong các em nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng để sau này xây dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân cũng như đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trước dịp nghỉ Tết, Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản đề nghị các trường tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An dịp xuân Giáp Thìn. Việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Không trồng ồ ạt lấy phong trào gây lãng phí, tốn kém, đảm bảo theo đúng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Tết trồng cây không chỉ là hoạt động trồng cây đơn thuần, mà còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lao động và ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sinh thái xanh trong khuôn viên trường học.
Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre cũng tổ chức phát động trồng cây xanh trong trường học nhằm hưởng ứng thực hiện Đề án “Trồng cây xanh” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Võ Văn Luyến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Trồng cây xanh trong trường học là hoạt động ý nghĩa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, lợi ích của việc trồng cây đối với bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, toàn ngành luôn xác định việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo cảnh quan sư phạm cho các nhà trường. Sở yêu cầu các đơn vị chỉ đạo tổ chức giảng dạy lồng ghép chuyên đề tìm hiểu vai trò, tác dụng của hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người trong môn học, hoạt động giáo dục và ngoại khóa cho học sinh.