Tôi nghĩ là không đâu. Bởi quy chuẩn của xã hội, của mối quan hệ đòi hỏi bất kì ai cũng cần được tôn trọng và tôn trọng người khác. Hơn nữa, xây dựng hình ảnh bản thân thông qua giao tiếp là việc chúng ta cần hiểu là cần thiết, cũng như coi đó là cơ hội để định nghĩa bản thân mình. Nghề giáo có kênh giao tiếp để thực thi nhiệm vụ, ấy là một thuận lợi. Những thầy, cô giáo là “cây đa, cây đề” đều truyền lại bí quyết giỏi nghề, trở thành đức cao vọng trọng là rèn phong thái từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, đến ánh nhìn, nết ở. Chừng ấy thôi đã thấy hoàn toàn phù hợp với những gì giáo dục hiện đại chỉ ra: Năng lực giao tiếp của giáo viên quyết định thành công trong công việc và thành quả giáo dục của họ.
Hãy làm bạn của lũ trẻ
Chúng ta biết rằng, những người cùng trang lứa, cùng lớp học, cùng nhóm chơi trong xóm, trong khu dân cư thường là bạn của trẻ. Nhưng thực tế, bạn của trẻ còn rộng hơn nữa. Tình bạn được hiểu theo nghĩa rộng, trong một mối quan hệ bình đẳng, công tâm, vô tư.
Thế nên, các nhà tâm lí giáo dục thường khuyên những người lớn hãy làm bạn với trẻ chứ không phải là dạy trẻ. Thông qua làm bạn với trẻ, tương tác như một người bạn, chúng ta có thể giúp trẻ học trong một tâm thế thoải mái, trẻ sẽ dễ tiếp thu, từ đó, việc học với trẻ sẽ trở thành một quá trình trải nghiệm với những cảm xúc trong sáng. Làm bạn với trẻ, sẽ giúp người lớn hiểu thêm về trẻ. Trên vai trò “người bạn”, chúng ta sẽ có thể điều chỉnh nhận thức, cách dạy, và tìm lại được phần cảm xúc, sẽ mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc.
Không ít người trong số chúng ta đang bối rối giữa những mục tiêu cá nhân trong cộng đồng. Chúng ta cũng có những lo ngại khi con, em chúng ta tiếp xúc với môi trường, với những người bạn mới. Chúng ta có thể kì vọng con chúng ta có những người bạn tốt, để học ở họ, để được họ giúp đỡ. Chúng ta nhắc con mình “phải chọn bạn tốt mà chơi”. Chúng ta cũng không tốn ít công để chọn “trường tốt, lớp tốt, nơi ở tốt, bạn tốt” cho con với hy vọng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng chúng ta quên mất sự chủ động “tự mình trở thành người bạn tốt”. Chỉ khi chúng ta là một người bạn tốt, chúng ta mới có những người bạn tốt.
Chính vì vậy, nếu đầu tư điều gì có ích nhất cho con trẻ, tôi vẫn cho rằng, hãy đầu tư cho việc “trở thành người bạn tốt”. Vì trong quá trình rèn luyện trở thành người bạn tốt đó, chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều từ nhận thức và cách sống, cách học. Và khi đã là một người bạn tốt, chúng ta sẽ thấy thế giới thật rộng mở, đáng sống, đáng khám phá và trưởng thành.