Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong dạy học tích hợp

09/11/2023, 06:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dạy học tích hợp là chủ trương đúng, phù hợp xu hướng giáo dục hiện đại. 

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, dẫn đến nảy sinh bất cập... Ghi nhận ý kiến, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch dạy học các môn học này nhằm gỡ khó cho cơ sở giáo dục.

Động thái tích cực

Cô Dương Thị Hải Long - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: Dù cố gắng trong triển khai giảng dạy các môn tích hợp, nhưng khó khăn lớn nhất với trường thời gian qua vẫn là phân công giáo viên. Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục, có khi theo tuần. Giáo viên có giai đoạn phải đảm nhiệm nhiều giờ, khi ngược lại… Nguyên nhân bởi chưa có người đảm nhiệm toàn bộ 3 phân môn trong 1 môn học/hoạt động giáo dục.

Nói về khó khăn trong quá trình dạy tích hợp, cô Phạm Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho hay: Dạy kiến thức không thuộc chuyên môn chính, giáo viên mất nhiều thời gian chuẩn bị bài; hơn nữa, phần kiến thức chi tiết, phải đi sâu hơn không thể bằng giáo viên có chuyên môn. Vì vậy, khi giảng dạy khó đưa ra câu trả lời thỏa mãn mong muốn học sinh. Giáo viên đã tiếp cận, tập huấn chương trình nhưng thực tế giảng dạy có một số kiến thức chưa đồng nhất giữa các phân môn gây trở ngại cho thầy và trò.

Tại sự kiện “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” tổ chức tháng 8/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận triển khai môn tích hợp là điểm nghẽn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và dự kiến xem xét, điều chỉnh theo hướng phù hợp.

Tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 5636/BGDĐT- GDTrH về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Công văn được giáo viên cả nước đón nhận, bước đầu đưa ra gợi mở về xây dựng kế hoạch dạy học môn tích hợp.

Cụ thể, Bộ yêu cầu phân công giáo viên bảo đảm phù hợp về chuyên môn đào tạo. Giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu chuyên môn và chất lượng dạy học.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp mạch nội dung theo chương trình môn học. Trong trường hợp gặp khó về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện mạch nội dung hoặc chủ đề chương trình.

Ảnh: Vân Anh
Ảnh: Vân Anh

Chủ động từ giáo viên

Nhận xét về những điều chỉnh trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: Văn bản phần nào tháo gỡ khó khăn trong dạy môn tích hợp khi tạo sự linh hoạt, tăng quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường. Thay vì áp yêu cầu cứng, buộc giáo viên phải dạy liên môn, theo hướng dẫn mới, Bộ cho phép giáo viên có thể dạy và chấm điểm đơn môn, sau đó thống nhất điểm chung của môn tích hợp.

Văn bản mới của Bộ đã hướng dẫn chi tiết. Điều này thể hiện trong phần phụ lục, khi đề cập rõ số tiết và nhiệm vụ từng giai đoạn. Hướng dẫn chi tiết giúp các trường có giải pháp về nhân sự, kế hoạch dạy tích hợp, tránh tình trạng lúng túng như trước đây.

Với khối 6, trường xây dựng kế hoạch dạy học theo mạch nội dung, phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn bảo đảm dạy học toàn bộ chương trình. Khối 7, 8, trường phân công giáo viên đảm nhiệm nội dung dạy học phù hợp trình độ chuyên môn, sẵn sàng thay đổi thời khóa biểu để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất.

Cùng quan điểm, cô Trần Thị Quỳnh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: Văn bản trên thực chất không mới nhưng tạo thuận lợi và sự rõ ràng, thống nhất cho nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu với môn tích hợp; đồng thời tường minh hơn các khâu khó như phân công giáo viên, kiểm tra đánh giá, ra đề thi.

Công văn 5636 giúp giáo viên tự tin hơn trong giảng dạy, đồng thời tạo hướng mở, linh động cho nhà trường từ việc phân công giáo viên đến xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức kiểm tra, đánh giá. Đưa ra nhận định trên, cô Triệu Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Văn Yên (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) dẫn chứng: Các phụ lục gợi ý kế hoạch kèm theo được xây dựng kỹ lưỡng, là tham khảo hữu ích cho các nhà trường.

Nhà trường tiếp tục phân công 3 giáo viên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đảm nhận môn Khoa học tự nhiên, 2 giáo viên (Lịch sử, Địa lý) giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý. Giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội đảm nhận Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Theo cô Hoàng Thị Vân - Trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai), sau khi nghiên cứu văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thấy tự tin hơn; được củng cố chắc chắn rằng, dạy tích hợp là chủ trương đúng, từ đó tập trung giảng dạy, không bị phân tán tư tưởng.

TS Phạm Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, giữa nhiều yếu tố cần và đủ để triển khai dạy tích hợp thì giáo viên đóng vai trò chủ đạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị có tác dụng hỗ trợ đắc lực. Do vậy, muốn triển khai dạy tích hợp thành công thì sự đổi mới của giáo viên là yếu tố quyết định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong dạy học tích hợp