Chủ đề 4: Số phức, thường có khoảng 6 câu trong đề thi tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và vận dụng. HS nắm chắc khái niệm số phức, các phép toán số phức và kỹ năng giải phương trình, hệ phương trình kết hợp sự hỗ trợ của máy tính bỏ túi thì làm được phần lớn câu hỏi thuộc chủ đề này. Liên quan đến số phức chứa đựng yếu tố hình học phẳng hoặc bất đẳng thức là những bài toán tương đối khó. Để giải quyết các bài toán dạng này cần kiến thức khá tốt liên quan đến hình học phẳng, phương pháp tọa độ trong mặt phẳng và cả bất đẳng thức đại số cũng như bất đẳng thức hình học.
Chủ đề 5: Khối đa diện là chủ đề tương đối khó với HS, có khoảng 4 câu hỏi. Số câu hỏi thường trải đủ 4 mức độ. HS cần nắm chắc các kiến thức về góc, khoảng cách về quan hệ vuông góc ở lớp 11; các kỹ năng dựng thêm hình, tách và ghép hình; năng lực tưởng tượng không gian, vẽ hình cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài thi. Đặc biệt, HS cần nhớ những mô hình, những công thức đặc biệt để giải quyết các bài toán không thường xuyên gặp.
Chủ đề 6: Phương pháp tọa độ trong không gian (hình Oxyz) có khoảng 8 câu hỏi với đủ 4 mức độ. Câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu thường là xác định các yếu tố của mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu… Câu hỏi mức độ vận dụng cao thường rơi vào các bài tập liên quan đến cực trị hình học. HS cần nắm vững kiến thức hình học không gian cũng như kiến thức liên quan đến bất đẳng thức lớp 10.
Chủ đề 7: Cấp số cộng - Cấp số nhân, đây là một nội dung kiến thức trong chương trình lớp 11 và thường có 1 câu trong đề. HS chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản có thể làm được câu này.
Chủ đề 8: Tổ hợp - Xác suất, thuộc nội dung kiến thức lớp 11. Các câu hỏi thường được ra ở các mức độ: Nhận biết gồm câu liên quan đến các công thức tổ hợp, hoán vị, chỉnh hợp); vận dụng gồm câu liên quan đến bài toán sắp xếp vị trí, phân chia công việc, tính xác suất theo định nghĩa. Trong chủ đề này, HS cần nắm vững, phân biệt được các khái niệm như hoán vị, tổ hợp, chỉnh hợp và biết kết hợp chúng để làm tốt các bài toán đếm.
Chủ đề 9: Quan hệ vuông góc trong không gian. Chủ đề này liên quan chặt chẽ đến nội dung khối đa diện trong chương trình lớp 12 với các dạng bài thường gặp như tính góc và khoảng cách ở mức độ thông hiểu, vận dụng. Để làm được, HS cần nhớ cách làm của từng dạng bài và luyện tập với các bài toán ở các mô hình không gian thường gặp.
Cô Trần Thị Quỳnh – giáo viên môn Sinh, Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang: Rèn tâm lý thật tốt thông qua việc luyện đề
Một trong những điều dẫn tới những kết quả không mong muốn trong kỳ thi chính là vấn đề tâm lý. Do đó, ở giai đoạn nước rút, HS cần rèn cho mình tâm lý thật tốt thông qua việc luyện đề.
Dù làm đề ở nhà trực tiếp hay online, các em hãy hẹn giờ và rút ngắn thời gian làm bài. Ví dụ, với môn Lý, Hóa, Sinh chỉ bấm thời gian khoảng 40 - 45 phút và ép mình làm trong khoảng thời gian ấy để tăng tốc độ làm bài cũng như rèn phản xạ. Hay với môn Toán, chỉ đặt giờtrong 75 - 80 phút. Nhờ vậy, khi đi thi các em sẽ chủ động được thời gian và tốc độ làm bài cũng nhanh hơn.
Chiến lược làm bài trong phòng thi: Các câu hỏi trong đề thi thường từ mức độ cơ bản đến nâng cao. Do đó, trước khi làm bài, HS cần dành 2 phút để đọc lướt đề; đánh dấu lại câu khó để làm sau; khi đã làm chắc chắn những câu dễ mới quay trở lại làm câu khó.
Khi đọc đề, đọc đến đâu thí sinh gạch chân các từ quan trọng đến đó để tránh bị lừa, đặc biệt là các đơn vị. Mắt nhìn đề, tay gạch chân từ quan trọng, đầu hình dung ra cách giải bài sẽ giúp tiết kiệm thời gian. Với câu dễ, ít cần tính toán, nên giải luôn vào đề để không mất thời gian chuyển sang giấy nháp.
Cố gắng làm câu dễ thật nhanh, sau đó soát lại thêm một lần nữa. Thường câu dễ sẽ nằm ở 30 câu đầu đối với Lý, Hóa, Sinh và 35 câu đầu đối với Toán. Hãy chắc chắn mình đã làm được 70% mục tiêu đề ra trong khoảng 1/2 thời gian đầu. Khi ấy, các em mới có đủ tự tin để chiến đấu tiếp 30% còn lại. Trong thời gian làm bài, nếu cảm thấy căng thẳng, nên dừng lại hít thở thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh.
Không nên quá phụ thuộc vào máy tính cầm tay vì một số bài có thể cho ra kết quả rất nhanh, nhưng cũng có những bài dùng máy tính không thể cho ra kết quả. HS cũng cần học cách tính nhẩm nhanh vì đôi khi, nhiều phép tính dễ không cần bấm máy tính sẽ giảm thời gian trong quá trình làm bài.
HS chú ý gạch chân từ khóa và lệnh của câu hỏi, nếu câu nào sử dụng được phương pháp loại trừ và phỏng đoán nên tận dụng tối đa để tiết kiệm thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Quá trình làm cần sắp xếp thời gian hợp lý. Làm đến đâu, tô vào phiếu trả lời ngay đến đó, tránh trường hợp đến gần cuối giờ mới tô vào phiếu và tô không kịp.