Giáo viên mong được sớm xét thăng hạng để yên tâm công tác

30/08/2023, 19:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù ngày khai giảng năm học mới đang đến gần nhưng hơn 4000 giáo viên ở Hà Nội vẫn lo lắng vì có phải tham dự kỳ thi thăng hạng hay không.

Cần sớm có quyết định 'thi' hay 'xét'

Thông tin Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức giáo viên đã khiến nhiều giáo viên tại Hà Nội và cả nước vui mừng. Tuy nhiên, các giáo viên đang nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng năm nay lại đang lo lắng vì có thể vẫn phải trải qua kỳ thi đầy khó khăn này.

Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, dự kiến trong tháng 10/2023, Sở sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó sẽ nêu rõ thi hay xét thăng hạng. Trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.

Như vậy, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có quyết định chính thức về việc thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Điều đó có nghĩa là từ nay đến tháng 12, hàng nghìn giáo viên tại Hà Nội vẫn sẽ phải ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi đầy tính cạnh tranh này, ảnh hướng rất nhiều đến thời gian chuẩn bị cho năm học mới và chương trình GDPT mới.

Thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A lo lắng: Hôm nay đã hết tháng 8 rồi, chỉ còn mấy ngày nữa là khai giảng, vào năm học mới. Bước vào năm học mới, năm thứ 2 triển khai chương trình GDPT mới với nhiều khó khăn, thử thách, bận rộn với giáo án mới, bài giảng mới và hàng trăm loại giấy tờ, hồ sơ sổ sách. Vì vậy, việc trải qua một kỳ thi sẽ là thử thách không nhỏ của các giáo viên.

“Do vậy, tôi cùng hơn 4000 giáo viên tại Hà Nội trong diện được thăng hạng lần này rất mong Sở Nội vụ sớm đưa ra quyết định: Thi hay xét, nếu thi thì thi như thế nào, bao giờ thi, nếu xét thì cần những giấy tờ, văn bằng chứng chỉ gì nữa không? Nếu có thể thì nên đưa ra quyết định luôn chứ không nên để đến tháng 12, giáo viên sẽ rất thấp thỏm, lo lắng” - thầy Đường nói.

Còn cô Nguyễn Thị Thơm - giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội (huyện Ba Vì) - băn khoăn: "Năm 2020, tôi bị lỡ kỳ thi vì không để ý thông báo. Năm 2022, mong mãi mới vượt qua các thành viên khác trong trường để nằm trong danh sách thăng hạng. Nghe thông tin Chính phủ đồng ý bỏ kỳ thi thăng hạng, giáo viên đều rất mừng. Vậy có thực hiện hay không, Sở Nội vụ nên có thông báo sớm để giáo viên yên tâm".

Cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên Trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: "Năm học mới sắp bắt đầu giáo viên vừa phải lo nghiên cứu và chuẩn bị bài giảng thật tốt đối với chương trình giáo dục 2018 của khối 10, 11 và nơm nớp chờ thông báo của sở nội vụ về việc thăng hạng.

Vì vậy, chúng tôi rất mong Sở nội vụ lắng nghe tâm tư của giáo viên, sớm có công văn chỉ đạo là tổ chức thi hay xét thăng hạng để giáo viên yên tâm công tác. Nếu xét thì tất cả những hồ sơ đã được nhà trường kí duyệt, nộp về Sở đều được công nhận và xếp thăng hạng cho giáo viên".

Cùng chung tâm trạng, cô Quý Thị Nga - giáo viên Trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) - chia sẻ: Năm học mới đã cần kề, giáo viên chúng tôi cần phải chuẩn bị rất nhiều hồ sơ, sổ sách. Mong Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT sớm có quyết định về việc xét tuyển thăng hạng cho các thầy cô giáo, để các thầy cô yên tâm công tác.

Giáo viên mong được sớm xét thăng hạng để yên tâm công tác ảnh 1
Nhiều giáo viên mong Sở Nội vụ Hà Nội sớm có quyết định thi hay xét thăng hạng.

Mong muốn được xét thăng hạng

Cùng với đó, hầu hết các thầy cô giáo đều bày tỏ mong muốn sẽ được xét thăng hạng chứ không phải trải qua kỳ thi. Cô Nguyễn Minh Phương - giáo viên Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Tiếng là 3 tháng nghỉ hè nhưng giáo viên vẫn không hề nghỉ ngơi. Nào trông thi 2 đợt, rồi tập huấn, nghiên cứu sách sách giáo khoa lớp 11 mới, hoàn chỉnh sách lớp 10 sau 1 năm thực hiện...

Nếu giáo viên tới đây lại phải trải qua kỳ thi thăng hạng thì đúng là rất khó khăn, vì lại phải học rồi thi, vô cùng mất công sức, mất thời gian. Nếu Sở Nội vụ quyết định xét thăng hạng cho các giáo viên có bề dày công tác, có thành tích thì sẽ rất hợp lý và được đông đảo giáo viên ủng hộ. Không phải trải qua kỳ thi, giáo viên THPT chúng tôi sẽ có thêm thời gian chuẩn bị kĩ càng hơn nữa cho năm học mới.

Cùng chung tâm trạng, cô Lê Thị Lương - giáo viên Trường THPT Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây) bộc bạch: "Sắp khai giảng, giáo viên chúng tôi muốn tập trung vào công tác chuyên môn để đạt hiệu quả chất lượng cao nhất. Chúng tôi vừa phải lo xây dựng kế hoạch giảng dạy cho nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, ôn nước rút cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Nên nếu ôn thi thăng hạng chúng tôi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian nên những công việc chuyên môn sẽ khó có chất lượng cao. Vì vậy giáo viên chúng tôi đều mong muốn Sở Nội vụ sớm ban hành quyết định xét thăng hạng cho giáo viên như ý kiến của Chính phủ và Bộ Nội vụ, để chúng tôi yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn dạy học".

Trong khi đó, cô Lê Thị Bạch Tuyến - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ứng Hòa bày tỏ: "Những ngày này, giáo viên thuộc trường hợp thăng hạng trong năm nay đều mong Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có quyết định về việc xét thăng hạng. Nếu phải chờ đợi đến tháng 12 sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng, tư tưởng, chúng tôi sẽ không yên tâm giảng dạy vì phải lo ôn thi.

Đặc biệt, chúng tôi cũng rất mong Sở Nội vụ có chỉ đạo xuống các Phòng Nội vụ các huyện lưu ý đến các giáo viên thuộc các Trung tâm GDNN-GDTX. Tại các Trung tâm GDNN-GDTX, lực lượng giáo viên cơ hữu rất mỏng, 1 người kiêm nhiệm nhiều việc, thậm chí có giáo viên chủ nhiệm tới 2 lớp. Do đó, nếu không có chế độ ưu đãi phù hợp, các thầy cô sẽ không có tâm trạng tốt để gắn bó với nghề".

Cô Trần Thị Mai Huê - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy cũng cho biết: "Trong quá trình công tác đã luôn cố gắng nỗ lực rất nhiều, nhưng đến bây giờ hệ số lương và số tiền lương nhận được hàng tháng vẫn là nỗi niềm đau đáu của tôi. Tôi rất mong Sở Nội vụ tạo điều kiện xét duyệt thăng hạng để chúng tôi có thêm động lực gắn bó với nghề. Đặc biệt hệ GDTX chúng tôi đã chờ đợi cơ hội này từ nhiều năm rồi, nên sự mong mỏi càng lớn hơn nữa."

Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 của Chính phủ ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên mong được sớm xét thăng hạng để yên tâm công tác