Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá

Phạm Khánh | 14/03/2023, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong quá trình triển khai chương trình mới, thầy cô Trường THPT Chuyên Hưng Yên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Sáng 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường THPT Chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Chuyên Hưng Yên có 31 lớp với 1.083 học sinh, trong đó có 11 lớp 10 (382 học sinh theo học Chương trình GDPT 2018), 10 lớp 11 (có 352 học sinh), 10 lớp 12 (có 349 học sinh).

Báo cáo đoàn giám sát, thầy Nguyễn Văn Duy, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hưng Yên, cho biết: Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong nhà trường diễn ra cơ bản thuận lợi. Học sinh, phụ huynh yên tâm tin tưởng. Số thí sinh đăng ký vào trường năm 2022 – 2023, cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình mới với lớp 10, tăng mạnh.

Với đặc thù là trường chuyên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục riêng dành cho môn chuyên, môn không chuyên trong lớp chuyên, kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp, các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao… ; tổ chức dạy học tự chọn theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá ảnh 1

Quang cảnh buổi làm việc.

Để nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường chú trọng công tác đổi mới phương pháp. Giáo viên tăng cường thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học như khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, tìm tòi sáng tạo; đa dạng hóa các hình thức học tập, trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học...; triển khai dạy học STEM, cuộc thi khoa học kỹ thuật...

Theo thầy Nguyễn Văn Duy, công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá được nhà trường chú trọng. Với bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên đánh giá qua hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, dự án, nghiên cứu khoa học... Còn với kiểm tra định kỳ, nhà trường kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số và nhận xét tiến bộ của học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường đổi mới về quản trị nhà trường.

Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tăng cường ra các câu hỏi mở để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Việc lựa chọn môn học được nhà trường triển khai vào cuối năm học 2021-2022 trước khi công bố kế hoạch tuyển sinh và tăng cường tuyên truyền về các tổ hợp để học sinh, phụ huynh nắm được và đăng ký tuyển sinh theo các lớp chuyên.

Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá ảnh 2

Đoàn giám sát tham quan lớp học tại Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Duy trăn trở việc triển khai chương trình mới còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, giáo viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế của nhà trường, chủ yếu ở các môn Toán, Địa lý, Vật lý, Ngoại ngữ. Trường chưa có giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc.

Cơ sở vật chất được trang bị mới đảm bảo đủ nhu cầu tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng do nhà trường còn được giao nhiệm vụ phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cho tỉnh nên cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ.

Trong thực tế khi triển khai Chương trình GDPT mới, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường bước đầu còn những khó khăn, vất vả, thậm chí nhiều đầu việc còn lúng túng chưa trôi chảy; do đó phải nghiên cứu, họp, bàn nhiều nên mất thời gian cho một số nhiệm vụ khác trong nhà trường.

Trước những khó khăn trên, đại diện Trường THPT Chuyên Hưng Yên đề xuất tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, viên chức ngành giáo dục. Đồng thời, tuyển bổ sung biên chế giáo viên để đủ số lượng theo quyết định của UBND tỉnh giao.

Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá ảnh 3

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc.

Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ

Là người trực tiếp giảng dạy cho học sinh lớp 10 theo chương trình mới, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên môn Ngữ văn, chia sẻ: Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá riêng ở môn Ngữ văn mang lại nhiều thuận lợi có thể kể đến như đánh giá được năng lực của học sinh, hạn chế tình trạng đọc chép. Đặc biệt, việc đổi mới giúp xoá bỏ quan niệm Ngữ văn là môn học thuộc lòng, đưa nó trở về đúng bản chất là một môn khoa học.

Trong quá trình triển khai chương trình mới với môn Ngữ văn, cô Thu đánh giá học sinh lớp chuyên Văn bắt nhịp tương đối tốt. Tuy nhiên, học sinh các lớp còn lại, do trước đây học theo CT GDPT 2006 và kiến thức chưa vững, nên còn bỡ ngỡ. Giáo viên cũng gặp khó khăn, dành nhiều thời gian để tìm tòi tư liệu mới cho công tác kiểm tra, đánh giá.

Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá ảnh 4

Tiết học môn Ngữ văn của học sinh lớp 10 Anh 1 Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Bổ sung thêm thông tin về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, cho biết một trong những nội dung được ngành Giáo dục và tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm là bồi dưỡng đội ngũ.

Bên cạnh cử giáo viên tham gia các buổi tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở/Phòng tổ chức, ngành Giáo dục đã tham mưu với tỉnh xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên. Các phòng chuyên môn trong nhà trường tăng cường tập huấn theo nhu cầu của giáo viên. Do đó, khi triển khai trong thực tế, thầy cô bắt nhịp tương đối nhanh, vừa giảng dạy vừa cùng nhau trau dồi, rút kinh nghiệm.

Kết luận buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Hưng Yên và các kết quả bước đầu của nhà trường khi thực hiện CT GDPT 2018.

Chia sẻ với những khó khăn của thầy cô, ông Phan Viết Lượng đề nghị nhà trường tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền; quan tâm, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Ngày 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số trường học tại tỉnh Hưng Yên.

Các tổ công tác của Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các trường THPT Chuyên Hưng Yên, THPT Quang Trung, Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Hưng Yên, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên trường chuyên nỗ lực đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá