Bảo vệ quyền lợi giáo viên
Cô Hoàng Thị My - giáo viên trường Mầm non Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, cô My cho rằng mức lương của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra.
“Tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian và công việc của giáo viên, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Thời gian làm việc của giáo viên mầm non rất nhiều, từ sáng cho đến chiều tối. Trong khi giá cả hàng hoá, xăng dầu thì tăng lên theo thị trường nhưng lương lại không tăng nên tôi rất mong có cơ chế chính sách đặc thù dành cho nghề giáo, nhất là giáo viên mầm non”.
Nhiều thầy cô mong muốn Luật Nhà giáo sớm ra đời để quyền lợi của nhà giáo được bảo vệ. |
Cùng quan điểm trên, cô Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non giống như các trường chuyên biệt. Theo cô Sen, có như vậy mới thu hút được giáo viên mầm non và giúp các cô yên tâm công tác.
“Do mức lương thấp, thời gian giảng dạy trên lớp nhiều, giáo viên không có cơ hội làm thêm việc khác để nâng cao thu nhập. Vì thế, đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi làm công tác quản lý nhiều năm nay nên hiểu rõ và nắm được tâm tư tình cảm của giáo viên gặp phải. Mong mỏi lớn nhất của giáo viên là được tháo gỡ bất cập về chế độ chính sách như: Tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế mới thu hút giáo viên vào nghề”, cô Sen cho biết.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, chính sách cho đội ngũ nhà giáo đang được vận dụng bởi Luật Viên chức; Luật Giáo dục... Tuy nhiên, những luật này chưa giải quyết được tính chất đặc thù trong lao động của nhà giáo. Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục.
Vì thế, cần một luật dành riêng cho nhà giáo để các thầy, cô được bảo vệ, bảo đảm mức lương tối thiểu để trang trải cuộc sống, từ đó yên tâm công tác giảng dạy.
“Luật Nhà giáo ra đời sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Tôi cho rằng cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung”, ông Lâm bày tỏ.