Công an tỉnh Bình Định tuyên truyền về phòng chống ma túy học đường. Ảnh: TC
Nỗ lực ngăn chặn
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, hiện trường đang nghiên cứu mô hình cảm biến phát hiện khói trong nhà vệ sinh để đi thi khoa học kỹ thuật và tiến tới ứng dụng trong trường để ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử được kịp thời. Ngoài ra, nhiều trường THCS còn lắp camera khắp các ngóc ngách để tránh trường hợp bị đối tượng xấu dụ dỗ, bắt ép học sinh hút thuốc lá điện tử.
Trong khi đó, để đối phó với tình trạng trên, nhiều phụ huynh bắt đầu kiểm soát gắt gao giờ học, sinh hoạt của con em mình, đồng thời thành lập hội nhóm trên mạng xã hội để cùng nhau trao đổi, theo dõi, quản lý tốt hơn.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên ngành tâm lý học Trường ĐH Quy Nhơn, để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi vị thành niên, cha mẹ đóng vai trò quan trọng. "Khi phát hiện trẻ hút thuốc lá điện tử, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu tác hại và thảo luận với con cách xử trí khi bị dụ dỗ sử dụng... Từ đó, giúp trẻ hình thành kỹ năng, phòng tránh khi bị bạn bè lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử" - cô Trang nói.
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha. Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại cơ quan, đơn vị, các đơn vị trực thuộc và tại địa bàn quản lý.
Thầy Võ Thanh Phước cho hay để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá điện tử trong học đường, nhà trường thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng công an tổ chức tuyên truyền để học sinh nhận thức thêm. Bên cạnh đó, trường cũng làm các video, hình ảnh minh họa về các chất cấm kèm tác hại để tuyên truyền trong tiết sinh hoạt hoặc vào 15 phút đầu giờ. "Để các em thấy được tác hại của thuốc lá điện tử khi kết hợp với những hóa chất khác thì có hại như thế nào. Giúp các em có nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nhằm tránh xa thuốc lá điện tử" - thầy Phước nói. Ngoài ra, trường có lắp 35 camera trong khuôn viên, ở khu vực hành lang. Những học sinh có biểu hiện lạ sẽ được phát hiện sớm và có biện pháp xử lý.
Trước đó, vào tháng 2-2023, TP Đà Nẵng xảy ra vụ ngộ độc tập thể với 6 học sinh thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 (quận Thanh Khê) khi sử dụng ma túy dạng “nước biển”. Theo cơ quan công an, với nhiều kiểu ngụy trang, dễ sử dụng, dễ mua, ma túy tổng hợp đang tìm cách chui sâu vào học đường và trẻ hóa đối tượng sử dụng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn, gây hệ lụy nặng nề cho xã hội.