Hiện nay, Trường Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ và Nhân văn thực hiện các chính sách hướng về người học như: Miễn giảm 100% học phí cho sinh viên các ngành sư phạm (theo Nghị định 116 của Chính phủ) và ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Giảm 30% học phí cho sinh viên học ngành Văn hóa học, Âm nhạc học.
Trường có nhiều bổng từ các nhà tài trợ dành cho sinh viên vượt khó, học bổng khuyến khích học tập tốt, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và thực hiện các chính sách sinh viên nghèo, sinh viên người dân tộc thiểu số, sinh viên chính sách và sinh viên thuộc nhóm yếu thế theo quy định hiện hành.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (nay trở thành Trường Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ và Nhân văn thuộc Trường ĐH Trà Vinh) thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Đây là khoa đặc thù và là khoa đầu tiên trong cả nước đào tạo hệ chính quy các chuyên ngành ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Mục tiêu nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ có trình độ cao, góp phần giữ gìn và phát huy vốn ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy ngôn ngữ, văn hoá các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, cụ thể là dân tộc Khmer. Xác định đây không chỉ là công tác chính sách dân tộc mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc gìn giữ, gắn kết hữu nghị với đất nước Campuchia láng giềng.
Ngoài hệ thống phòng học cơ sở, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ còn trang bị phòng Lab, phòng trưng bày văn hoá hiện vật Khmer và nhạc cụ dân tộc, các văn phòng làm việc của bộ môn và hội trường khu thực hành biểu diễn sân khấu nhằm phục vụ tốt nhất cho việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Phòng thực hành sân khấu Dù Kê, Phòng trưng bày nhạc cụ - trang phục truyền thống, Phòng thực hành biểu diễn nhạc cụ, Khu thực hành khối ngành Văn hóa - Du lịch, Trung tâm văn hóa miền tây).
Nhà trường còn tham gia bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; Bồi dưỡng tiếng Khmer giao tiếp; Bồi dưỡng tiếng Khmer chuyên ngành; Bồi dưỡng tiếng Khmer nâng cao; Đào tạo tiếng Khmer cho công chức viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; Biểu diễn múa dân gian dân tộc Khmer…
Theo ông Sơn Cao Thắng (Phó trưởng Bộ môn Nghệ thuật), bộ môn Nghệ thuật là 1 trong 4 đơn vị thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, cùng thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về đào tạo nhân lực ngành Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa - xã hội ở Nam bộ được Thủ tướng Chính phủ giao… Bộ môn thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và phát huy nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đào tạo đội ngũ kế thừa, lực lượng trẻ tiếp bước thế hệ đi trước giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống dân tộc.