Giới hạn nào cho Confession?

23/09/2023, 07:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Confession vẫn tồn tại và vẫn có thể gây rắc rối cho sinh viên nếu họ không biết cách sử dụng...

TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, Confession là một xu thế tất yếu khi công nghệ, Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Thay vì phản đối, mọi người phải hiểu và chấp nhận nó.

Mặc dù vậy, trong xã hội đang tồn tại những quan điểm sai lầm trong việc sử dụng mạng xã hội nói chung và Confession nói riêng. Đó là, nhiều người cho rằng Confession là thế giới ảo, không ai kiểm soát, không bị ràng buộc nên thỏa sức nói, bày tỏ mọi thông tin, quan điểm. Đôi khi, họ thấy những sự việc chưa tốt, mang tính cá nhân hoặc nhỏ lẻ, nhưng lại trình bày trên Confession như là hiện tượng, bản chất.

Tiếp đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì cho rằng đây là thế giới ảo nên nhiều người nghĩ, sẽ không bị chi phối bởi pháp luật. Nhiều sinh viên lợi dụng các diễn đàn này với mục đích xấu. “Những thứ xấu trên mạng xã hội thường được cộng hưởng, lan tỏa rất nhanh và có thể trở thành những việc vi phạm pháp luật”, TS Đinh Văn Hải nói.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường thường mời công an phổ biến, trao đổi về Luật An ninh mạng, pháp luật về thông tin - truyền thông cho các quản trị viên Confession. Nhà trường cũng tạo ra những bộ phận “một cửa” online, xử lý nhanh các vấn đề bức xúc của sinh viên. “Khi những bức xúc của sinh viên được lắng nghe, giải đáp thỏa đáng sẽ hạn chế rất nhiều hệ quả xấu xảy ra trên mạng xã hội, Confession”, TS Đinh Văn Hải nhận định.

Ở góc độ luật pháp, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM - nhấn mạnh việc tự nhận thức, trau dồi của sinh viên khi sử dụng Confession. Theo đó, sinh viên phải ý thức rằng, ở độ tuổi của mình (từ 18 trở lên) phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm tội do mình gây ra. Ngoài ra, sinh viên phải nhận thức được việc đưa thông tin sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Khi tiếp nhận và chuẩn bị đăng tải bất cứ thông tin gì trên Confession, sinh viên phải kiểm chứng về độ tin cậy của thông tin. Quan trọng hơn, sinh viên phải cân nhắc đến tác hại của những thông tin mình chuẩn bị công bố, có nguy hại, tổn thương cho ai không”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói và nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên rất quan trọng. Theo đó, cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề phổ biến kiến thức, các phiên tòa giả định… để người học nắm rõ pháp luật.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, sinh viên nên tự tìm hiểu pháp luật an ninh mạng, dân sự, hình sự… để có thể tự bảo vệ bản thân, tránh vướng vào các vấn đề hình sự. Một số nội dung luật sinh viên cần nắm gồm: Luật An ninh mạng; Bộ luật Dân sự (Điều 592 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm); Bộ luật Hình sự (Điều 155 quy định về tội làm nhục người khác); Luật Trẻ em.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gioi-han-nao-cho-confession-post654509.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gioi-han-nao-cho-confession-post654509.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới hạn nào cho Confession?