"Tôi và con gái đều có thế mạnh ngôn ngữ nên hướng con trai thứ hai vào ngành này. Năm lớp 7, con khóc không chịu thi chuyên ngữ. Lúc ấy tôi như bừng tỉnh".
Trên đây là chia sẻ của chị Quỳnh Vân, mẹ em Gia Nguyên, học sinh chuyên lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tại hội thảo Tiêu chí "ngầm" đại học top Mỹ tìm kiếm, vừa được tổ chức tại Hà Nội chiều nay (13/4).
Gia Nguyên vừa trúng tuyển vào Đại học Columbia (một trong những trường thuộc nhóm Ivy League) và sẽ lên đường đi Mỹ vào khoảng tháng 8 tới.
"Tôi nhận ra không thể ép buộc con"
Theo chị Vân, chị có thế mạnh ngôn ngữ. Con gái lớn của chị cũng học chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nên muốn định hướng Gia Nguyên theo đúng con đường này để mẹ và chị có thể hỗ trợ.
"Sau một năm cố gắng, đến khoảng lớp 7, con tôi khóc, nói rằng không thể chịu đựng được nữa. Chính khoảnh khắc đó khiến tôi bừng tỉnh và nhận ra, mình không thể tiếp tục ép buộc con.
Trong sự hoang mang, chưa biết định hướng thế nào, tôi cho con đi sinh trắc vân tay. Kết quả cho thấy, con có tiềm năng phù hợp với các ngành khoa học tự nhiên.
Kết thúc năm lớp 9, Nguyên quyết định thi vào lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là bước ngoặt quan trọng và gia đình tôi bắt đầu định hướng lại con đường học tập và nghề nghiệp phù hợp với Nguyên.
Chúng tôi đã tìm các tài liệu liên quan về ngành con đã chọn. Trong một lần tham gia cuộc thi về Robotic, con rất hào hứng. Nguyên đăng ký tham gia câu lạc bộ về Robotic của trường. Lựa chọn này thực sự thay đổi hoàn toàn định hướng của con", chị Vân cho hay.
Chị Hà, mẹ em Minh Đức - người vừa trúng tuyển 3 trường đại học danh tiếng Mỹ - cũng chia sẻ, Đức là con đầu nên gia đình còn hoang mang trong việc nuôi dạy.
"Khi con học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), gia đình đã nghĩ đến việc cho con theo ngành Khoa học máy tính nhưng lại lo lắng về cơ hội việc làm sau này.
Lúc đầu, tôi rất tự tin mình hiểu con vì luôn ở bên cạnh con từ việc học hành đến tính cách. Sau nhiều lần nói chuyện, tôi nhận ra, mình vẫn chưa thực sự hiểu con và có lẽ đã định hướng sai", chị Hà cho hay.
Cũng theo phụ huynh này, Đức có trí nhớ tốt nên ban đầu gia đình định hướng theo ngành bố mẹ vào kinh doanh.
Nhờ sự cố vấn của đội ngũ xây dựng hồ sơ du học, định hướng cho Đức theo ngành phân tích dữ liệu và con cảm thấy đây là lựa chọn phù hợp.
Hồ sơ long lanh, điểm 10 học thuật nhưng không đỗ
Theo lời chị Vân ở trên, việc lựa chọn ngành nghề 80% phụ thuộc nội lực của con cái, khoảng 20% còn lại là định hướng gia đình.
Nhưng một số chuyên gia du học cho rằng, khi đã lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp, việc học sinh có thể vào được trường đại học hàng top ở Mỹ còn phải có chiến thuật "ngầm".
Bà Trần Phương Hoa, đồng sáng lập viên kiêm CEO Summit cho hay, du học Mỹ luôn luôn khó, năm sau khó hơn năm trước. Hiện có khoảng 1,1 triệu du học sinh đang học ở Mỹ, trong đó Việt Nam có khoảng hơn 20.000 em cho tất cả các cấp học.
Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 5-6 về số lượng du học sinh ở Mỹ, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Chuyên gia này cho hay, việc vào Mỹ du học ngày càng khó do lượng thí sinh ngày càng tăng, trong khi chỉ tiêu dành cho học sinh quốc tế ở đại học top đầu không tăng thêm.
Chẳng hạn ĐH Harvard có năm chỉ nhận 1-2 học sinh Việt Nam, một số trường Ivy League khác thì có thể nhận nhiều hơn nhưng thường cũng chỉ 4-5 em/năm.
Dự đoán trong khoảng 1-2 năm tới, không hy vọng trường này nhận đột biến khoảng vài chục học sinh/năm. Do đó có thể nói, việc du học vào các trường Đại học Mỹ đã khó, ngày càng thêm khó.
Cũng theo bà Phương Hoa, sở dĩ việc du học Mỹ khó lên do học sinh ngày càng giỏi đang tăng lên, điểm SAT, IELTS tăng… Phần lớn học sinh đều muốn vào trường danh tiếng - kể cả học sinh Mỹ, trong khi chỉ tiêu không tăng. Ví dụ một trường có khoảng 2.000 thí sinh, chỉ tiêu cho sinh viên quốc tế chỉ chiếm 10-20%.
"Sở dĩ chúng tôi nói điều này không phải "dọa" phụ huynh mà cho thấy bức tranh du học Mỹ ngày càng khốc liệt và căng thẳng.
Với việc cạnh tranh cao như trên, để vào được các trường hàng đầu của Mỹ, hồ sơ học sinh phải cạnh tranh hơn, điểm SAT cao hơn, đặc biệt phải chọn ngành đúng thế mạnh", bà Hoa nói.
Bà Phương Hoa cũng cho rằng, để học sinh chọn ngành trúng luôn ở tuổi 16-17 tuổi rất khó bởi tầm này các em chưa biết ngành gì là như thế nào, kinh tế là gì và kinh doanh là sao.
Có bạn học kinh tế nhưng thích nhảy hoặc thích quan họ… Thậm chí, có bạn thích học ngành Công nghệ thông tin nhưng toán chỉ điểm 7 thì không ổn. Do đó, phụ huynh phải nói chuyện với con, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và xem xét con học giỏi môn gì, từ đó dùng phương pháp loại trừ bớt những ngành không phù hợp. Việc chọn ngành phù hợp với con nhưng không bị ngợp sau khi vào trường vì điểm quá xấu rất quan trọng.
"Phụ huynh học sinh luôn nghĩ phải đạt điểm trung bình môn cao, thi SAT cao, đôi khi thêm cả chứng chỉ mạnh, có giải thưởng nghiên cứu là sẽ đỗ vào trường Mỹ.
Nhưng thực tế nhiều trường tìm kiếm hồ sơ thú vị hoặc lựa chọn học sinh dựa trên tính cách. Học sinh xuất sắc nhưng quá kiêu ngạo, tư tưởng quá cực đoan có thể sẽ không được nhận. Thậm chí học sinh có hồ sơ long lanh, 10 điểm học thuật nhưng trông hơi nhạt nhẽo cũng có thể trượt.
"Điều này là thực tế, tránh việc phụ huynh đầu tư quá đà, suốt ngày cho đi học thêm, đạt điểm tuyệt đối nhưng không phải cứ tuyệt đối SAT là trường sẽ nhận.
Thậm chí có bạn 1.600 điểm SAT vẫn không đỗ, ngược lại có bạn 1.490 điểm vẫn đỗ. Đó là tiêu chí "ngầm" của các trường", bà Phương Hoa cho biết.