Ding Ding sau đó được gửi vào trường Trung học Cơ Sở trọng điểm của địa phương. Nhưng chỉ vài ngày sau khai giảng, khi bà Zou Hongyan đang đi công tác thì nhận được điện thoại của con, con khóc lóc không muốn đi học và muốn nghỉ học.
Nguyên nhân là do trong buổi huấn luyện quân sự đầu khóa, Ding Ding không thể đứng vững ở bài tập nâng cao chân và bị giáo viên phê bình. Ding Ding bị bạn bè chế nhạo, chê cười là người bại não.
Bà Zou Hongyan nghe xong đã bắt chuyến tàu về trong đêm. Bà đến trường học của con, và trong giờ giải lao đã bước lên bục giảng. Bà nói với các bạn cùng lớp Ding Ding đều thật may mắn khi sinh ra đã khỏe mạnh bình thường. Khi lớn lên các bạn có thể thoải mái lựa chọn công việc nhưng Ding Ding không may mắn như vậy, chỉ có cách nỗ lực học tập mới có tương lai tốt.
Vậy mà các bạn lại bắt nạt Ding Ding, khiến cậu bé không muốn đi học, điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai về sau. Khi bà Zou Hongyan nói, cả lớp im lặng lắng nghe. Sau câu chuyện này, Ding Ding không bị bắt nạt nữa. Và trong bài kiểm tra cuối kỳ, cậu đạt điểm số cao, đứng đầu lớp.
Bà Zou Hongyan cũng là người có khát vọng lớn, luôn muốn con vào học ở những trường nổi tiếng. Điều này khiến Ding Ding bất mãn. Cậu nghĩ rằng học ở đâu cũng giống nhau và đã xảy ra mâu thuẫn với mẹ. Về sau, bà đã bình tĩnh giải quyết vấn đề.
Bà đã đưa con trai đến một tòa chung cư để xem phòng. Bước vào căn phòng thứ nhất ở tầng 1, bà hỏi con có nhìn thấy trung tâm thành phố qua cửa sổ không. Ding Ding trả lời mẹ là không.
Lên tầng 6, bà tiếp tục hỏi con câu đó và Ding Ding trả lời mẹ là có. Rồi 2 mẹ con lên tầng 20, lúc này khung cảnh rộng mở và rất đẹp. Và bà Zou Hongyan đã mượn câu chuyện để chia sẻ việc chọn lựa các căn phòng cũng như cuộc sống vậy. Con người nên cố gắng vì mục tiêu lớn mới có thể phát triển.
Trước sự giáo dục nghiêm khắc và yêu thương của mẹ, Ding Ding khôn lớn và thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) với số điểm cao. Hơn nữa, sau nhiều năm tập luyện phục hồi chức năng, cơ thể của anh cũng như người bình thường.
Ding Ding còn học Thạc sĩ Luật tại Đại học Bắc Kinh. Anh nhiều lần nhận học bổng quốc gia. Sau khi tốt nghiệp, Ding Ding làm việc tại bộ phận pháp lý của một công ty Internet nổi tiếng. Dù đi làm nhưng anh vẫn chăm chỉ học tập và rèn luyện. Một năm sau, anh xuất sắc được nhận vào học Thạc sĩ tại trường Đại học Harvard.
Sau khi tốt nghiệp, Ding Dinh quyết định tham gia kỳ thi tư pháp ở Mỹ và được mẹ hết lòng ủng hộ. Bà Zou Hongyan cũng theo con sang Mỹ để chăm sóc và bên động viên con cố gắng.
Có thể nói, bà Zou Hongyan là một người mẹ tuyệt vời. Bà đã vượt qua mọi thử thách để đồng hành, giáo dục con nên người. Hiện bà Zou Hongyan đang là Phó Giáo sư tại trường Cao đẳng nghề TP. Vũ Hán, nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc.
Chia sẻ về phương pháp nuôi dạy con, bà khuyên các bậc cha mẹ nên làm 3 điều sau để con phát triển tốt nhất.
Bà Zou Hongyan đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng từ nhỏ Ding Ding đã là đứa trẻ cực kỳ tập trung. Vì vậy nên thành tích học tập luôn rất tốt.
Để giáo dục đứa trẻ tốt nhất, cha mẹ nên dành cho con đủ không gian khám phá và phát triển. Cha mẹ đừng quá bao bọc hay làm phiền con bởi sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc, mất tập trung, gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển về sau.
Và cha mẹ hãy nhớ rằng chỉ cần không phải hành động gây nguy hiểm, thì hãy tôn trọng con, không nên ngắt lời, hay ngăn cản trẻ khám phá. Chính cách giáo dục không làm phiền, không can thiệp sẽ bảo vệ tài năng của đứa trẻ.
Mặc dù Ding Ding mắc bệnh từ nhỏ nhưng bà Zou Hongyan chỉ coi con trai chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác một chút. Bà luôn động viên con mạnh mẽ, chăm chỉ và nỗ lực học tập. Chỉ có cách này, con mới không bị khinh thường. Và chính những lời khuyên ấy đã giúp Ding Ding tích cực hơn. Vậy nên trong giáo dục con cái, cha mẹ đừng quên động viên con.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ cũng cần động viên và tin rằng con có thể vượt qua. Nhờ đó, trẻ có thêm động lực bứt phá chính mình.
Ngay từ khi học Tiểu học, bà Zou Hongyan đã mua từ điển cho con, để con tự tìm tòi. Bà khuyến khích con, trao cho con cơ hội để thể hiện bản thân, độc lập suy nghĩ và nói ra mong muốn của bản thân.
Thực tế, cảnh giới giáo dục cao nhất là cho trẻ không gian tự do. Tự do ở đây không phải là trẻ thích làm gì cũng được mà là trẻ được độc lập làm việc, thử sức với bản thân và rút ra kinh nghiệm cho mình.
Hãy là những người phụ huynh thông thái, trước hết là tôn trọng và lắng nghe con. Sau đó, cha mẹ hãy khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ và tự làm việc trong khả năng. Khi con gặp vấn đề khó, cần lựa chọn thì cha mẹ hãy hỗ trợ. Như vậy, đứa trẻ mới trở thành người tự tin, dũng cảm và độc lập trong mọi việc.