Giúp học sinh nghèo dự các kỳ thi đánh giá năng lực

Lan Anh | 10/03/2022, 11:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 2022, nhiều trường đại học tốp đầu tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực.

Thí sinh vào phòng thi trong đợt thi đầu tiên hồi cuối tháng 2 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: INTThí sinh vào phòng thi trong đợt thi đầu tiên hồi cuối tháng 2 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: INT

Do đó, nhiều học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này bên cạnh việc tập trung ôn tập các môn thi truyền thống của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Lương Yến Chi - học sinh Trường THPT Nam Sách (Hải Dương) - cho biết: Em biết đến kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhiều năm nay qua thông tin từ các thầy cô và các anh chị khóa trước. Những năm trước, học sinh của trường dự thi không nhiều do ít chỉ tiêu nhưng năm nay chỉ tiêu nhiều hơn và các bạn trong lớp đăng ký dự thi rất nhiều.

Việc đăng ký hồ sơ, nộp lệ phí và thi cũng qua máy tính nên học sinh dễ dàng dự thi. Một lo ngại của học sinh là đường đi xa, phải ở trọ cũng được giải quyết khi trường linh hoạt tổ chức địa điểm thi ở nhiều nơi. Như năm nay, em có thể lên Hà Nội thi, hoặc có thể thi tại Hải Dương, Hải Phòng. Điều lo lắng nhất của em chỉ là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu mắc F0, F1 sẽ bỏ lỡ mất cơ hội dự thi.

Dương Thu Trang - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Quế Võ 2 (Bắc Ninh) đặt mục tiêu đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm nay, trường đại học em đăng ký chỉ dành 10 - 15% chỉ tiêu xét tuyển tốt nghiệp thay vì 60% như trước. Vì vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển, em đã đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Đánh giá năng lực cần kiến thức của 7 môn mà trước đó em xác định thi khối A chỉ có 3 môn thôi nên việc học khó khăn. Do đó, thời gian này là giai đoạn nước rút để ôn thi. Em thường lên mạng tìm tài liệu, làm các đề thi minh họa, học hỏi từ các anh chị đi trước. Thầy cô cũng giúp đỡ em trong việc học”, Dương Thu Trang kể.

Tuy nhiên, với nhiều học sinh, dù được các thầy cô thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực nhưng các em chỉ có thể lựa chọn con đường truyền thống là dự thi tốt nghiệp THPT. Thầy Ma Văn Thế - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoa - cho biết: Nhà trường đóng trên địa bàn khó khăn của huyện Na Hang (Tuyên Quang), có 50% các em thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn nên khó có thể tham gia các kỳ thi riêng. Thời gian tới, nhà trường sẽ có lộ trình giúp học sinh làm quen với kỳ thi, hướng dẫn các em đăng ký dự thi, cử các thầy cô theo sát, giúp đỡ các em trong quá trình dự thi.

Để hỗ trợ cho học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành quyết định về việc miễn, giảm phí cho học sinh THPT khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2022. Theo đó, tất cả thí sinh có nhu cầu dự thi đều có thể tham gia, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho thí sinh dự thi. Thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn được miễn lệ phí.

Bài liên quan
An Giang tập huấn công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi tốt nghiệp và công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp học sinh nghèo dự các kỳ thi đánh giá năng lực