Em Phạm Linh Chi (SN 2005, ở Hà Nội) cho biết: “Khi học ở nhà, do chỉ có một mình nên em dễ bị mất tập trung khi học bài. Nhiều khi đang học em lại bỏ dở để chơi điện thoại”.
Hay Bạch Công Huy (SN 2005, ở Hòa Bình) cũng tâm sự: “Gia đình em đặt ra quy định, khi em đang học bài, không ai được làm phiền. Học bài trong thời gian dài mà không có ai nói chuyện, chia sẻ khiến em cảm thấy khá mệt mỏi và chán nản, đặc biệt là những lúc gặp bài khó”.
Chia sẻ thêm về những giải pháp giảm sự buồn chán khi ôn luyện cho các sĩ tử, Tuyết Mai cho rằng, các bạn hãy tạo những nhóm học nhỏ cùng thi chung khối để tăng hiệu quả, có thêm động lực. Hơn nữa, sẽ luôn có người giải đáp, chia sẻ những lúc gặp bài khó.
"Giao tiếp chính là sự khác biệt giữa việc học nhóm và tự học một mình. Khi học nhóm, các thí sinh cũng có thể dễ dàng bổ sung kiến thức, trao đổi ý tưởng cho nhau một cách nhanh chóng, thay vì phải liên lạc bằng điện thoại và rất dễ bị mạng xã hội cám dỗ", Mai nói.
Còn nếu không tìm được nhóm để học chung, các sĩ tử nên luân phiên giữa học tập và nghỉ ngơi. Ví dụ, học 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rồi nghỉ 15 đến 20 phút. Bởi học liền một mạch vài tiếng đồng đồ sẽ khiến bộ não bị quá tải vì tiếp thu quá nhiều kiến thức một lúc.
Tin vào chính mình
Để giúp các sĩ tử giảm bớt áp lực đồng trang lứa, Tuyết Anh (sinh viên trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ: “Mỗi khi rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm vì áp lực phải thành công như người ta, luôn có những người bạn, người anh người chị nhắc nhở em rằng: “Em thành công vì em là em”. Trong mắt người khác có khi những gì em đã đạt được lại là ước mơ, một áp lực thành công khác đối với họ”.
Tuyết Anh (sinh viên trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ cách củng cố tâm lý cho sĩ tử.
Theo Tuyết Anh, việc tạo ra môi trường sống lành mạnh là một cách hiệu quả đối với các thí sinh. Bằng việc tránh tiếp thu nội dung gây áp lực, so sánh mình với người khác hoặc bị cuốn vào các cuộc tranh luận không cần thiết; chọn những nguồn thông tin tích cực và xây dựng một môi trường trực tuyến lạc quan; chia sẻ những thành tựu trong quá trình học tập và cảm xúc tích cực cho bạn bè và người thân sẽ giúp các thí sinh có thêm động lực trong học tập".
Tuy nhiên, nếu áp lực quá lớn, các thí sinh rất dễ bị trầm cảm. Hoa khôi Ánh Đào góp ý thêm: “Khi bị áp lực tâm lý đè nặng, các thí sinh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, bình tâm trở lại. Các bạn hãy luôn điềm tĩnh để nhận ra mình đang ở đâu để xây dựng lộ trình phù hợp với bản thân và tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn".