GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển Giáo dục Mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.
Sáng 8/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự và chủ trì Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng Giáo dục Mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045". Cùng dự có đại diện Vụ Giáo dục Mầm non; lãnh đạo, chuyên viên phụ trách bậc Mầm non của một số sở GD&ĐT; các tổ chức, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN) Hoàng Thị Dinh cho hay, dự thảo Đề án đảm bảo căn cứ pháp lý, chính trị và bối cảnh thực tiễn. Trong đó, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 nêu rõ: “Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư”.
Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Trung ương Đảng; Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 quy định: “Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển GDMN; ưu tiên phát triển GDMN ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp"...
Thực tiễn cho thấy, nhiều trường mầm non chưa đủ năng lực tiếp nhận trẻ nhà trẻ; chưa đáp ứng được nhu cầu đặc thù của công nhân, mô hình về dịch vụ GDMN phục vụ con công nhân chưa đa dạng. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ nhà trẻ tại cơ sở GDMN độc lập, tư thục còn hạn chế...
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT có quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Đề án theo hướng bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục công bằng đối với mọi trẻ em; Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp (KCN).
Đồng thời đa dạng hoá loại hình, mô hình cơ sở GDMN ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non là con công nhân, người lao động, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Cũng tại hội thảo, bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đã nêu khái quát về sự cần thiết để ban hành Đề án cũng như một số khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa đảm bảo. Đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc xác định rõ các mục tiêu, định hình hướng đi với những giải pháp phù hợp để ban hành Đề án.
Mục tiêu chính của Đề án là hỗ trợ phát triển GDMN ở địa bàn đô thị, KCN giúp trẻ em là con công nhân, người lao động được bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ GDMN có chất lượng.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là có 100% trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu theo chương trình GDMN, phù hợp với điều kiện thực tiễn; 100% trẻ 3-36 tháng là con công nhân, người lao động ở địa bàn có KCN có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ GDMN bảo đảm chất lượng.
Về nhóm giải pháp, cần đa dạng loại hình, mô hình GDMN phù hợp đặc thù địa bàn đô thị, KCN; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em 3 - 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển GDMN ở địa bàn đô thị, KCN; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo và phối hợp liên ngành; thúc đẩy công tác truyền thông.
Từ Thủ đô Wasington, D.C (Hoa Kỳ), bà Helle Buchhave - Chuyên gia trưởng Toàn Cầu về Bình đẳng Giới của Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, đây là Đề án hết sức cần thiết để Việt Nam phấn đấu thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Mầm non là bậc học nền tảng cho lực lượng lao động sau này. Phát triển nguồn nhân lực là khoản đầu tư cho tương lai rất quan trọng.
Theo ông Phạm Văn Sơn, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), các đơn vị hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau trong quá trình thực hiện để Đề án sớm được hoàn thiện và ban hành. Đây là đề án Chính phủ hết sức quan tâm, do đó việc bám sát tình hình thực tế để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng Đề án.
Chia sẻ tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu tích cực cho Chính phủ để ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của GDMN. Hiện nay, chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa đã có những cải tiến và từng bước được nâng cao.
Dù vậy, ở những vùng tưởng chừng như rất thuận lợi như khu vực đô thị, KCN có sự quan tâm của gia đình phụ huynh và điều kiện tổ chức nuôi dưỡng giáo dục trẻ tốt hơn vẫn có những thách thức từ thực tiễn như cơ sở vật chất trường lớp không đủ, phát triển dân số quá nóng, điều kiện sinh hoạt của phụ huynh không giống nhau.
Về mặt vĩ mô, chúng ta chưa có chính sách phù hợp với những đặc điểm đòi hỏi riêng của bậc học Mầm non ở khu vực đô thị, KCN. Từ những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch dạy học và giải pháp nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn này sẽ được tổng hợp, định hướng kịp thời.