Gỡ từng nút thắt triển khai Chương trình mới lớp 3, 7 và 10

Quốc Ngữ | 08/09/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 - 2023 chính thức khởi động, các địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai Chương trình GDPT mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Bên cạnh những thuận lợi, một số địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn để chương trình mới được thông suốt.

Nỗ lực đầu tư

Chuẩn bị cho năm học mới, Tiền Giang xây mới 120 phòng học và đầu tư sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018. Qua đó, nâng số phòng học kiên cố lên 7.403 (chiếm tỷ lệ 90,7% so tổng số phòng học). Vào năm học, tuy còn khó khăn nhưng ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo nguồn giáo viên.

“Với quyết tâm công tác tốt trong năm học mới, những ngày qua, tôi cùng các thầy cô trong Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân phối hợp để biên soạn, hoàn thành giáo án giảng dạy. Dạy song song 2 chương trình không tránh khỏi vướng mắc, giáo viên và tổ bộ môn sẽ ghi nhận và tháo gỡ”, cô Kim Nhị cho biết.

Tại Trường THPT Hồng Ngự 1 (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp), giáo viên giảng dạy Chương trình mới lớp 10 chuẩn bị đầy đủ những nội dung chuyên môn với quyết tâm cao nhất để dạy học. Năm học này, cô Đinh Thị Kim Nhị, Trường THPT Hồng Ngự 1 được phân công phụ trách giảng dạy khối 10 và 12. Dù công việc khá áp lực, nhưng cô luôn ý thức nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 là huy động học sinh ra lớp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang bị sách giáo khoa, thực hiện tốt Chương trình GDPT mới đối với khối lớp 1, 2, 3 và lớp 7, lớp 10... Đồng thời tăng cường thực hiện chuyển đổi số nên mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn và Chương trình GDPT mới...

Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt ở các khối lớp đang triển khai Chương trình GDPT mới, TP Cần Thơ cũng rà soát lại danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các lớp đã được ban hành để mua sắm bổ sung. Các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành sẵn có đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 5.300 phòng học các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Trong đó có hơn 4.800 phòng học kiên cố, đạt 90,16%. Tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học là 0,97; cấp THCS là 0,75 và cấp THPT là 0,99. Về phòng học bộ môn, cấp tiểu học có khoảng 992 phòng; THCS khoảng 405 phòng; THPT: 215 phòng... Với số lượng phòng học và phòng bộ môn nêu trên, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018.

Gỡ từng nút thắt triển khai Chương trình mới lớp 3, 7 và 10 ảnh 1

Học sinh Trường THCS Kim Hồng (Đồng Tháp) trong giờ học.

Tháo gỡ khó khăn phát sinh

Bên cạnh thuận lợi, các địa phương cũng gặp khó khăn khi triển khai Chương trình mới, trong đó khó khăn nhất là tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang, một số địa phương vẫn còn phòng học xuống cấp, chưa được xây mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị; trang thiết bị bàn ghế cũ, hư hỏng...

Tháo gỡ khó khăn, tỉnh tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng… Đến nay đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với Chương trình mới.

Từ năm 2013 đến nay, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã liên kết với Trường ĐH Tiền Giang đào tạo trên 1.200 giáo viên mầm non trình độ cao đẳng để tạo nguồn giáo viên mầm non cho các địa phương. Đặc biệt là đặt hàng đối với môn học đang thiếu, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, Lịch sử - Địa lý… Tuy nhiên, qua rà soát, năm học 2022 - 2023, tỉnh có 3.228 giáo viên mầm non (thiếu 343 giáo viên), 5.906 giáo viên tiểu học (thiếu 322 giáo viên), 4.579 giáo viên THCS (thiếu 207 giáo viên) và 2.080 giáo viên THPT (thiếu 112 giáo viên).

Tình trạng này tưởng như không có… lối thoát. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022 – 2023. Theo ông Võ Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, ngành tăng tốc tìm nguồn để tuyển dụng.

Giải pháp đảm bảo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên. Theo đó, nhà trường phối hợp với các trường THCS trên địa bàn quận, hỗ trợ một số giáo viên bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật để tham giảng dạy. Theo thầy Lâm Đức Thành, Hiệu trưởng nhà trường, đầu năm học do chưa kịp đầu tư phòng chức năng âm nhạc và mỹ thuật, trường mượn trang thiết bị từ các trường THCS trên địa bàn để giảng dạy…

Chia sẻ giải pháp đảm bảo giáo viên các môn học mới của Chương trình mới, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, đối với những đơn vị có số lượng học sinh, số lớp tăng so với năm học 2021 - 2022, nhất là với môn học mới (Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT), ngành hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc hợp đồng thỉnh giảng trong thời gian chờ tuyển dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ từng nút thắt triển khai Chương trình mới lớp 3, 7 và 10