Theo báo cáo nhanh của TP Hà Nội, bão Yagi làm 3 người chết, 8 người bị thương; 6 xe máy và 13 ô tô hư hỏng; 2.455 cây đổ.
Số liệu trên được báo cáo tại cuộc họp thứ 4 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 (bão Yagi) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì đêm 7/9.
Theo báo cáo nhanh của TP Hà Nội, bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương.
Về tài sản, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính đến 19h ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có tổng 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão. Bên cạnh đó, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.
Ngoài ra có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 3 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì).
TP Hà Nội cho biết, sáng 8/9, các lực lượng sẽ tiến hành xử lý các cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết bão số 3 đổ bộ từ 15-18h, sức gió cấp 11 giật cấp 13, lượng mưa trung bình 100mm. Mưa bão, gió giật đã khiến 105 đường dây trung áp (22kV, 35kV) và 16 đường dây 110kV gặp sự cố, khiến khoảng 500.000 khách hàng bị mất điện.
Tỉnh Hải Dương đang tập trung khắc phục, khẩn trương cấp điện trở lại để phục vụ công tác thống kê, khắc phục thiệt hại, đồng thời vận hành một số trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc.
Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã báo cáo Sở Chỉ huy tiền phương về tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, các biện pháp phòng chống bão đã triển khai, một số thiệt hại về cây cối, nhà cửa, cây trồng nông nghiệp…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bão số 3 đã suy yếu nhanh, các địa phương phải khẩn trương triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình phải khẩn trương nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, người mất tích.
Đồng thời, các địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng.
Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ.